Việt Nam - Vương quốc Anh chú trọng thực thi UKVFTA


Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, thì công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường Anh có vai trò hết sức quan trọng.

Trái cây Việt Nam là một trong những mặt hàng hưởng lợi thế trong UKVFTA
Trái cây Việt Nam là một trong những mặt hàng hưởng lợi thế trong UKVFTA

Sức hút của thị trường Vương quốc Anh

Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. GDP trên danh nghĩa 3,3 nghìn tỷ USD. Với Việt Nam, Vương quốc Anh là thị trường rộng lớn, không chỉ vì mỗi năm nước này nhập khẩu 700 tỷ USD hàng hóa; cũng không chỉ vì dư địa tại thị trường này còn rất lớn, hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh chiếm chưa đầy 1% giá trị nhập khẩu của nước Anh (năm 2022 Việt Nam xuất 6,02 tỷ USD/700 tỷ kim ngạch nhập khẩu của Anh).

Điều quan trọng hơn cả mà Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại chính là cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau. Việt Nam có thế mạnh các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trong khi Vương quốc Anh chỉ có 1,1% nhân lực tham gia vào ngành nông nghiệp và ngành này chỉ đóng góp 0,6% trong 3,3 nghìn tỷ USD tổng GDP.

Vì vậy, nhiều mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam cũng là những mặt hàng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Anh quốc. Hạt tiêu, hải sản, hạt điều, cà phê… có thị phần tương đối cao tại Vương quốc Anh. Riêng hạt điều chiếm tới 90% thị phần, cà phê chiếm tới 1/3 thị phần tại Anh. Các mặt hàng nông, thủy sản cũng là những mặt hàng được ưu tiên trong đàm phán UKVFTA.

Với việc Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước UKVFTA chính thức có hiệu lực kể từ năm 2021 và mới đây nhất là việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 16 tháng 7 năm 2023 là những động lực mạnh mẽ thúc để quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư hai chiều tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022 - năm thứ hai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021.

8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Việt Nam từ Anh đạt 460,1 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.

Thúc đẩy khai thác dư địa

Nhờ nỗ lực của hai bên, sự quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam và Vương quốc Anh mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2022 trong số các tỉnh, thành có báo cáo số liệu xuất nhập khẩu, có 44/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh, tăng 13 tỉnh so với năm 2021. Địa phương có trao đổi thương mại với Vương quốc Anh là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là Ninh Bình, Thái Nguyên, và Lâm Đồng.

Ông Chris Milliken, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham) khẳng định, người tiêu dùng Anh thường quan tâm tới sự minh bạch của công ty sản xuất, do đó, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng cũng như hướng tới sự phát triển xanh, bền vững sẽ có nhiều lợi thế tại Vương quốc Anh.

Như vậy, nhìn vào biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh hơn 2 năm qua, có thể thấy doanh nghiệp  Việt Nam đã chủ động nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, xu hướng tiêu dùng và thủ tục xuất khẩu sang thị trường Anh. Đồng thời thay đổi mô hình sản xuất để đáp ứng thị trường xuất khẩu khó tính này.

Hơn nữa, nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tiếp tục có tỷ lệ tận dụng C/O tích cực, ví dụ thủy sản đạt 82,9% (tăng 29,5% so với năm 2021), rau quả đạt 72,6% (tăng 34,2%), giày dép đạt 99,5% (tăng 49,7%), dệt may đạt 15,7% (tăng 43,4%), gỗ và sản phẩm go đạt 14,2% (tăng 85,2%)... Tính chung, tỷ lệ tận dụng C/O của doanh nghiệp Việt Nam khá cao. Kim ngạch xuất khẩu sang Vương quốc Anh theo mẫu C/O EUR.1 trong năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% xuất khẩu chung sang Vương quốc Anh, tăng nhiều so với năm 2021.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, thì công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường có vai trò hết sức quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại Anh để tìm hiểu thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng; thiết lập quan hệ bạn hàng cho doanh nghiệp; quảng bá, tuyên truyền sản phẩm thế mạnh, đồng thời giới thiệu sản phẩm hàng hoá và dịch vụ đạt thương hiệu quốc gia đến người tiêu dùng, nhà đầu tư, đối tác thương mại và xuất nhập khẩu quốc tế.

Bà Tạ Hoàng Lan - Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, để khai thác dư địa của thị trường Anh trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hàng hoá, sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia; phối hợp, hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo chuỗi, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp; rà soát, kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các trường hợp có nguy cơ tranh chấp, chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Tạp chí Công thương