Bảo hiểm Y tế:
Trả đúng, trả đủ
Vừa qua, Bảo hiểm Xã hội một số tỉnh, thành phố đã giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Từ đó, không ít cơ sở y tế tuyến huyện và xã đã hiểu nhầm khống chế mức chi bình quân cho mỗi lần khám chữa bệnh BHYT của người dân.
BHYT luôn thanh toán đúng, đủ theo quy định
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH), không có quy định nào khống chế mức chi bình quân cho mỗi lần khám chữa bệnh BHYT. Đơn vị nào đang áp dụng việc này là thực thi một cách máy móc và không đúng luật.
Hàng năm, cơ quan BHXH chỉ giao dự toán chi chứ không phải định mức chi. Dự toán này dựa trên cơ sở kế hoạch Chính phủ giao, căn cứ vào số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại từng cơ sở y tế và tổng thu năm trước của đơn vị đó.
Theo Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Vũ Xuân Bằng, thực tế hàng năm, Chính phủ sẽ giao cho BHXH kế hoạch và dự toán chi phí khám chữa bệnh. Từ đó, BHXH căn cứ dự toán của mình và căn cứ trên từng số thẻ của từng đơn vị ở mức bình quân, sau đó tính ra chi phí giao dự toán.
Giao dự toán chứ không phải định mức, ép buộc các cơ sở khám chữa bệnh. Thực tế các tỉnh bị bội chi mỗi năm rất nhiều và với số bội chi này đều được quỹ BHYT thanh toán. Thực tế vẫn phải giao dự toán với số tiền đã giao các cơ sở y tế phải “liệu cơm, gắp mắm” chứ không phải giao định mức chi. Trong Thông tư 41 có quy định trần thanh toán đối với bệnh nhân chuyển đến.
Bởi trong một tỉnh thì bệnh viện tỉnh thường tiêu hết tiền BHYT của bệnh viện huyện, chính vì vậy, Thông tư 41 mới quy định bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên phải có trần thanh toán, ví dụ chỉ 2 hoặc 3 triệu/1 lượt.
Tuy nhiên, nếu phần vượt trần đó bảo đảm khách quan do bệnh tật nhiều, do có thiết bị mới, kỹ thuật mới, thuốc mới thì quỹ BHYT vẫn thanh toán phần vượt đó - ông Vũ Xuân Bằng nói.
Nghiên cứu sửa văn bản hướng dẫn Luật
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Lê Văn Khảm, không nên hiểu lầm việc giao định mức là mỗi người dân đến trạm y tế xã khám bệnh thì được quy định “xài” bao nhiêu tiền; hiểu lầm này là do một số đơn vị vận dụng quá máy móc.
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang tham mưu nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 105 về quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật BHYT, sẽ không còn giao quỹ BHYT cho đơn vị nữa. Lúc đó, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của mình. Cơ quan BHXH sẽ giám định đúng, trả đúng, trả đủ.
Tuy nhiên cũng cần một công cụ để kiểm soát chi phí - đó là tính tổng mức thanh toán cho cả năm dựa trên số liệu lịch sử và những nguyên nhân phát sinh. Như vậy có thể bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, đồng thời giúp các cơ sở khám chữa bệnh không chịu áp lực về việc có bao nhiêu tiền để dùng như hiện nay.