Trái cây ngon không lo Mỹ, EU từ chối
Sản xuất trái cây chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà nhập khẩu, trái cây Việt Nam sẽ không lo thị trường Mỹ, EU từ chối.
Tiếp theo các loại quả của Việt Nam (thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, và vú sữa) đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức cho phép nhập khẩu vào thị trường này, Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa cho đăng Công báo Liên bang, theo đó sẽ cho phép nhập khẩu thêm trái xoài tươi của Việt Nam vào Mỹ, dự kiến từ quý IV năm nay.
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, với động thái này, có thể khẳng định gần như chắc chắn là sản phẩm trái xoài tươi sẽ là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được Mỹ cho phép nhập khẩu vào tiêu thụ từ cuối năm nay.
Nếu được Mỹ chính thức cấp phép, dự kiến hàng năm, Việt Nam có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng nhập khẩu xoài tươi của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng nội địa.
Được biết, xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại bang Florida và Hawaii, một lượng nhỏ tại bang California và Texas, nhưng tổng sản lượng nội địa chỉ đạt khoảng 3.000 tấn/năm. Hàng năm Hoa Kỳ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil... để đáp ứng nhu cầu trong nước.
“Tất nhiên, trái xoài Việt Nam có thể được xuất khẩu sang thị trường Mỹ nếu nó đáp ứng được một số điều kiện. Theo quy tắc đề ra, xoài phải được trồng trong một vườn cây ăn quả đã được xử lý dịch hại hoặc được chứng nhận hoàn toàn không mắc các dịch hại nào.
Bất cứ lô hàng nào trước khi được xuất đi cũng phải được kiểm tra bằng chiếu xạ. Các chuyến hàng sẽ chịu sự giám sát cho đến khi thông quan vào Mỹ”, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Là doanh nghiệp đang cung cấp trái vú sữa xuất khẩu sang Trung Đông và châu Âu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Goodprice (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, việc Mỹ cấp phép cho trái vú sữa và bật tín hiệu cho trái xoài tươi là thời cơ cho nông sản, trái cây chất lượng cao của Việt Nam trong tương lai.
Ông Lê Thái, Giám đốc Điều hành Goodprice cho hay, 80% trái cây Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc, nên việc có thêm thị trường mới là rất đáng mừng, đặc biệt là những thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… Dù các đơn hàng Công ty đang xuất đi Pháp, Anh, Trung Đông không lớn, nhưng hoạt động tìm kiếm thêm khách hàng mới tại các thị trường xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao luôn được Công ty này quan tâm.
“Theo kế hoạch, tháng 11/2016, đoàn gồm 30 doanh nghiệp châu Âu thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Ba Lan sẽ tới Việt Nam để khảo sát và xúc tiến nhập khẩu trái cây Việt Nam. Điều này càng khẳng định, nếu làm tốt thì đối tác sẽ tìm đến hàng Việt”, ông Thái cho biết thêm.
Cũng theo thông tin từ đối tác của Công ty Goodprice, 20 năm nay, châu Âu nhập khẩu trái cây Trung Quốc, vài năm nay, họ tìm đến các thị trường mới trong đó có Việt Nam. Đó là tín hiệu để trái cây trong nước đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, có động lực thay đổi nền sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn cao của thế giới, không phải lo cảnh được mùa mất giá như đang xảy ra với dưa hấu, thanh long,….
Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nhiều loại trái cây đặc sản, có thể thu về giá trị cao qua xuất khẩu, nếu được quy hoạch các vùng trồng trọt tốt, các doanh nghiệp và nhà vườn liên kết tốt để hướng dẫn kỹ thuật theo Tiêu chuẩn GlobalGap.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, điểm yếu của trái cây Việt Nam vẫn là trồng riêng lẻ, không đạt chuẩn, nên dù cơ hội xuất khẩu đã có, nhưng những hợp tác xã, nhà vườn có sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chưa thật nhiều. Hạn chế này cần được khắc phục trong những năm tới, thông qua việc đầu tưnâng cấp công nghệ chế biến sau thu hoạch, khâu đóng gói và bảo quản.