"Trái đắng" cổ phiếu nóng

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Bất chấp những cảnh báo, nhiều nhà đầu tư đã xuống tiền lướt sóng các cổ phiếu “nóng”, để rồi rơi vào trạng thái “chơi tàu lượn” khi giá cổ phiếu liên tiếp trồi sụt, tăng nóng, giảm nhanh.

Sự biến động của giá cổ phiếu luôn được dựa trên yếu tố kỳ vọng nào đó, nhưng chủ yếu vẫn là đánh vào lòng tham của nhà đầu tư.
Sự biến động của giá cổ phiếu luôn được dựa trên yếu tố kỳ vọng nào đó, nhưng chủ yếu vẫn là đánh vào lòng tham của nhà đầu tư.

Kể từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ trở thành những cái tên được nhà đầu tư săn đón khi có đà tăng điểm vượt trội so với thị trường chung. Tiêu biểu như cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia đã trở thành cái tên gần như “hot”nhất trên thị trường khi bất ngờ tăng gấp 10 lần chỉ trong hơn 1 tháng.

Thống kê giao dịch trong giai đoạn từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 3, cổ phiếu này đã tăng mạnh từ vùng giá dưới 5.000 đồng/cp lên 46.100 đồng/cp, trong chuỗi giao dịch này RIC đã có tới 30 phiên tăng trần liên tiếp giữa bối cảnh không có thông tin hỗ trợ.

“Chóng mặt” với giá cổ phiếu

Sau chuỗi tăng giá mạnh mẽ này, cổ phiếu RIC khiến các nhà đầu tư không kịp trở tay khi đi vào nhịp biến động khó hiểu khi giảm sàn 14 phiên đưa thị giá cổ phiếu về vùng giá dưới 16.000 đồng/cp, rồi lại tăng trần 9 phiên liên tiếp lên 28.650 đồng/cp (phiên 7/4).

Kể từ đó đến nay, RIC giao dịch trồi sụt với những phiên trần, sàn xen kẽ với những phiên tăng giảm trong biên độ hẹp. Tính đến phiên giao dịch ngày 12/5, thị giá của RIC chỉ còn 18.500 đồng/cp, giảm khá sâu so với mức đỉnh 46.100 đồng/cp hồi tháng 3.

Cũng đột biến như giá, mỗi phiên, lượng cổ phiếu RIC khớp lệnh dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đơn vị, có phiên khớp nhiều nhất 400.000 đơn vị nhưng cũng có những phiên chỉ có vài nghìn cổ phiếu được khớp.

Trong suốt 86 ngày giao dịch đã qua của năm 2021 (từ 11/1-12/5), số ngày mà cổ phiếu RIC biến động kịch biên độ (tăng trần/giảm sàn) lên tới 70 phiên.

Ngoài RIC, cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) cũng “hot” không kém khi bỗng chốc đang từ một cổ phiếu “trà đá, mớ rau” trong nhiều năm đã bật tăng từ cuối năm 2020 lên 8.560 đồng/cp hồi giữa tháng 1/2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2020, ngay sau đó, ITA lại cắm đầu lao dốc về mốc dưới 7.000 đồng/cp vào đầu tháng 2 và duy trì vùng giá này cho đến cuối tháng 3/2021.

Bước sang đầu tháng 4, ITA lại tiếp tục “phi” lên mức đỉnh mới 9.100 đồng/cp (phiên 15/4) nhưng cũng nhanh chóng "đổ đèo" liên tiếp và hiện đang giao dịch tại vùng giá 7.300 đồng/cp.

Nói về những cổ phiếu “tàu lượn” không thể không nhắc đến LDG của CTCP Đầu tư LDG, chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm, cổ phiếu này đã có mấy nhịp tăng giảm từ 6.000 đồng/cp lên 9.000 đồng/cp khiến các nhà đầu tư “chóng mặt”. Hiện, cổ phiếu này đang được mua bán xung quanh mức 7.380 đồng/cp.

Tương tự, cổ phiếu HCD của CTCP Đầu tư sản xuất và Thương mại HCD cũng gây sốc khi hồi đầu năm chỉ giao dịch tại mức giá chưa đến 3.000 đồng/cp nhưng đã có chuỗi tăng giá liên tiếp với nhiều phiên tăng trần ghi mức tăng gấp đôi lên 6.290 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay sau đó, HCD lại cắm đầu giảm, hiện chỉ còn giao dịch quanh vùng 4.700 đồng/cp (phiên 12/5).

Lòng tham chi phối

Thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Khi môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp làm ăn có lãi, tăng trưởng cao thì việc cổ phiếu tăng giá là điều hợp lý.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, cả nền kinh tế và doanh nghiệp đều phải vật lộn với những tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong đó, không ít doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Thế nhưng, giá cổ phiếu vẫn tăng “phi mã”.

Thực tế cho thấy, mẫu số chung cho những cổ phiếu “tàu lượn” thời gian qua là luôn mang trong mình những câu chuyện riêng. Kết quả kinh doanh kém khả quan và sự biến động của nhóm cổ phiếu này đa phần nằm ở hai trạng thái tăng trần hoặc giảm sàn.

Để lý giải cho điều này chỉ có một lý do là sự biến động của giá này được dựa trên yếu tố kỳ vọng nào đó nhưng chủ yếu vẫn là đánh vào lòng tham của tâm lý giao dịch chụp giật, vốn rất phổ biến của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bất chấp nhiều cảnh báo từ giới phân tích ngay trong giai đoạn tăng nóng của các cổ phiếu này.

Ngay từ những phiên tăng trần đầu tiên, RIC đã khiến nhiều nhà đầu tư phải tiếc nuối khi cho rằng mình đã “lỡ tàu”. Tuy nhiên, với những ngày tăng trần kéo dài sau đó thì không phải nhà đầu tư nào cũng có thể ngồi yên, tâm lý “đánh quả” sẽ thường trực khiến các nhà đầu tư bất chấp “đu đỉnh”.

Thế nhưng, nếu nhà đầu tư nào trót mua cổ phiếu RIC ở vùng giá 4x thì đến nay, khoản đầu tư đã “bốc hơi” khoảng 60% giá trị, cơ hội để RIC quay lại vùng giá trước đó có lẽ cần phải chờ đến một “phép màu”.

Như chia sẻ của một nhà đầu tư đã từng mất khá nhiều tiền cho các cổ phiếu nóng: "Đầu tư chứng khoán không phải là một cuộc chơi, sàn chứng khoán không phải là sòng bạc. Đã bỏ tiền ra đầu tư cái gì, bạn phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình”.

Ngày càng tỉnh táo, thận trọng hướng đến đầu tư vào các công ty đàng hoàng để những kẻ lừa đảo, “bán giấy lấy tiền” không còn chỗ đứng. Tuy khốc liệt, nhưng những bài học phải trả học phí tiền tỷ cũng là cách giúp thị trường ngày càng hoàn thiện và phát triển.