Nguồn cung cổ phiếu ồ ạt, lo thị trường khó hấp thụ

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang hấp dẫn được dòng tiền “khủng” minh chứng qua khối lượng giao dịch thường xuyên đạt kỷ lục, gần đây tại các đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ thông qua phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu. Nhiều ý kiến cho rằng việc nguồn cung cổ phiếu ồ ạt có thể khiến thị trường mất cân bằng.

Dù dòng tiền trên thị trường chứng khoán còn khá nhiều nhưng việc các doanh nghiệp liên tiếp tung ra "hàng mới" có thể khiến tổng sức mua của thị trường giảm đáng kể.
Dù dòng tiền trên thị trường chứng khoán còn khá nhiều nhưng việc các doanh nghiệp liên tiếp tung ra "hàng mới" có thể khiến tổng sức mua của thị trường giảm đáng kể.

Dòng tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng (do lãi suất thấp), các nhà đầu tư F0 và các doanh nghiệp tham gia “đánh quả” chứng khoán, đã góp phần thúc đẩy đà tăng giá của thị trường cổ phiếu trong suốt một thời gian dài vừa qua.

Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2021 nhiều kỷ lục về cả điểm số, lượng tài khoản mở mới, tổng giá trị khớp lệnh liên tiếp được phá, nhiều cổ phiếu đã vượt qua mức giá lịch sử của chính mình đã tạo nên “thiên thời, địa lợi” cho các doanh nghiệp.

Ồ ạt tăng vốn

Mới đây, CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã: ASM) đã lên kế hoạch huy động 500 tỷ đồng trái phiếu với mục đích đầu tư vào các dự án triển khai, bổ sung vốn lưu động; phát hành thêm 129,4 triệu cổ phiếu nhằm huy động 1.294,3 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu, đồng thời dùng 700 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng và 594,3 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Tương tự, Công ty chứng khoán VNDirect (mã: VND) cũng lên kế hoạch phát hành 214,51 triệu cổ phiếu nhằm huy động 3.110 tỷ đồng. Hay như Công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC, mã: HCM) đã lên kế hoạch chào bán 152,52 triệu cổ phiếu, huy động 2.135,5 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ, bảo lãnh phát hành và tự doanh.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự kiến phát hành 78,64 triệu cổ phiếu ESOP và cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu để huy động 786,4 tỷ đồng, bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ, hoạt động đầu tư, phát triển nền tảng công nghệ…

Ngoài ra, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, mã: CRE) dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 1.056 tỷ đồng bằng phương án phát hành thêm gần 106 triệu cổ phiếu.

Hiện nay, đang là giai đoạn cao điểm của mùa ĐHĐCĐ các ngân hàng, nhiều kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng quy mô vốn cũng được các ngân hàng đưa ra. Có thể kể đến như BIDV (mã:BID) dự kiến phát hành riêng lẻ 341 triệu cổ phiếu, tương đương 3.400 tỷ đồng tính theo mệnh giá.

Gần đây nhất là SHB, ngoài phương án tăng vốn từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, ĐHĐCĐ SHB cũng thông qua kế hoạch chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán đề xuất là 12.500 đồng/cp.

Trước đó, theo thống kê từ FiinGroup, trong quý I/2021, có 43 doanh nghiệp đã huy động được gần 19.800 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 1,1 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương gần 70% giá trị phát hành của cả năm 2020.

Cập nhật đến ngày 13/4/2021, có 54 doanh nghiệp niêm yết dự kiến phát hành thêm 4,2 tỷ cổ phiếu nhằm huy động gần 44.700 tỷ đồng trong thời gian tới, gấp gần 1,6 lần tổng giá trị phát hành trong năm 2020 và gấp 2,3 lần quý I/2021. Trong đó, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu 27.500 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ 14.200 tỷ đồng.

Lo sức hấp thụ

Thực tế, trong bối cảnh thị trường tích cực, giá cổ phiếu ở mức cao sẽ giúp việc phát hành của các doanh nghiệp thuận lợi hơn. Nếu như trước đây, việc phát hành tăng vốn thường khiến các cổ đông, giới đầu tư tỏ ra ngán ngẩm bởi áp lực pha loãng giá nhưng đến nay dường như vấn đề này không còn nhận được nhiều sự quan tâm nhờ kỳ vọng vào giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, nguồn cung cổ phiếu gia tăng mạnh từ việc các doanh nghiệp lên sàn hay phát hành thêm để tăng vốn là một trong những tín hiệu để xác định thị trường có đang ở mức đỉnh hay không. Và khi nhà đầu tư bội thực với lượng cung cổ phiếu tăng thêm quá lớn, trong khi dòng vốn đầu tư hạn chế, thị trường sẽ bị kéo xuống.

Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở bởi nhìn vào quá khứ tại các thời điểm thị trường thăng hoa như năm 2008 hoặc 2018, nhiều doanh nghiệp cũng tích cực huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu mới và ngay liền sau đó là diễn biến điều chỉnh của thị trường.

Có trường hợp đưa ra phương án tăng vốn khi giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với mệnh giá, để rồi rốt cuộc không thực hiện được nên phải hoãn lại, khiến những cổ đông lỡ lướt sóng theo phi vụ tăng vốn do kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ được kéo về mệnh giá, phải ngậm đắng nuốt cay và cắt lỗ sau đó.

Do vậy, điều đáng lo ngại lúc này là dòng tiền hiện nay có đủ để hấp thụ nổi lượng cổ phiếu được đưa ra ồ ạt trong thời điểm hiện nay cũng như giai đoạn tới hay không? Hay lịch sử sẽ lặp lại là câu hỏi mà nhiều người đang quan tâm.

Thực tế thì dòng tiền mà thị trường chứng khoán đang đón nhận chủ yếu đến từ nhóm nhà đầu tư F0 (bên cạnh lượng tiền đang giao dịch vẫn còn 65.000 tỷ đồng “nằm chờ” tại các công ty chứng khoán) và nguồn vốn của các công ty chứng khoán thông qua dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin).

Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng cho biết, trong thời gian tới, lượng tiền đổ vào thị trường sẽ còn nhiều hơn khi khối ngoại vẫn duy trì lượng tiền mặt lớn, khoảng 2,7 tỷ USD (khoảng 62.000 tỷ đồng). Tín hiệu tích cực từ dòng vốn ETF cũng xuất hiện ngày một nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn nhiều.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, tình trạng “căng” margin đang xảy ra tại một số công ty chứng khoán, khối ngoại mua vào nhỏ giọt với xu hướng chung vẫn là bán ròng khiến dòng tiền nội đang phải “gồng mình” làm bệ đỡ, trong khi lượng cung cổ phiếu lại đang tăng quá nhanh có thể dẫn tới việc thị trường có thể mất cân bằng cung cầu.