Khẳng định vai trò kênh huy động vốn tích cực

Sau gần 14 năm hình thành và phát triển (2000-2014), thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng (19,0% GDP), bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng (94,1% GDP) và thị trường cổ phiếu (31,0% GDP). Khối lượng phát hành TPCP có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt kể từ năm 2010 đến nay. Dư nợ TPCP/GDP được giữ ổn định: Năm 2010 là 19,59% GDP; năm 2011 là 17,12% GDP; năm 2012 là 16,59% GDP và năm 2013 là 19% GDP.

Tỷ trọng nguồn vốn huy động qua thị trường trái phiếu ngày càng tăng với lãi suất thấp, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách vừa góp phần bình ổn lãi suất cho vay của ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Điểm tích cực nhất là tính thanh khoản được cải thiện đáng kể. Theo đó, giá trị giao dịch TPCP bình quân tăng từ 1.200 tỷ đồng/ngày trong năm 2012 lên 1.600 tỷ đồng/ngày trong năm 2013; số mã trái phiếu niêm yết là 88 mã tính đến ngày 31/12/2013, giảm 5 mã so với năm 2012 và giảm trên 100 mã so với năm 2010. Những con số này đã góp phần đưa thị trường trái phiếu Việt Nam trở thành thị trường có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á.

Trái phiếu chính phủ: Kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển - Ảnh 1

Bên cạnh đó, lãi suất trên thị trường TPCP còn là kênh tham chiếu lãi suất thị trường nợ, phục vụ cho việc điều hành kinh tế vĩ mô của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất phát hành TPCP có xu hướng giảm dần. Giai đoạn trước năm 2009, lãi suất trúng thầu đôi khi cao hơn lãi suất huy động trên thị trường tiền tệ nhưng kể từ khi thị trường TPCP chuyên biệt ra đời, lãi suất trúng thầu luôn thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng từ 1-2%/năm.

Năm 2013, lãi suất phát hành giảm 1,0% - 1,7% với kỳ hạn 1 - 3 năm; giảm 0,75% kỳ hạn 5 năm và giảm 0,25% kỳ hạn 10 năm. Với TPCP bảo lãnh (do Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển phát hành), lãi suất cũng giảm theo xu hướng giảm lãi suất TPCP, cụ thể giảm 0,95 - 1,50% (kỳ hạn 2 và 3 năm); giảm 0,20 - 0,30% (kỳ hạn 5 và 10 năm).

Tiếp tục phát huy hiệu quả của trái phiếu chính phủ đối với nền kinh tế

Bước vào năm 2014, trên cơ sở cân đối các chỉ tiêu vĩ mô, Chính phủ đặt mục tiêu huy động 210.000 tỷ đồng TPCP, tăng trên 20% so với năm 2013. Trong tổng khối lượng TPCP phát hành, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các kỳ hạn ngắn: dưới 1 năm là 40.000 tỷ đồng; 2 năm: 55.000 tỷ đồng và kỳ hạn 3 năm là 60.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm tỷ trọng thấp hơn với kỳ hạn 5 năm huy động 40.000 tỷ đồng, 10 năm: 10.000 tỷ đồng và kỳ hạn 15 năm là 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Kho bạc Nhà nước (KBNN), trong quá trình triển khai kế hoạch phát hành TPCP, để phù hợp với tình hình thị trường, cũng như đảm bảo kế hoạch huy động vốn, KBNN có thể điều chỉnh khối lượng phát hành giữa các kỳ hạn. Định kỳ hàng quý, trên cơ sở nhu cầu của ngân sách nhà nước, KBNN sẽ công bố kế hoạch phát hành đối với từng loại kỳ hạn trái phiếu, để các thành viên thuận lợi trong việc sắp xếp kế hoạch tham gia thị trường. Việc công bố công khai kế hoạch phát hành TPCP nói trên tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại chủ động trong kế hoạch kinh doanh của mình, cũng như thể hiện một hành động cụ thể trong sự phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Trái phiếu chính phủ: Kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển - Ảnh 2

Kế hoạch nói trên theo tính toán của Bộ Tài chính thì 56,8% tổng số vốn huy động qua kênh này sẽ bù đắp bội chi ngân sách nhà nước; trong đó sẽ phát hành 100.000 tỷ đồng vốn trái phiếu cho đầu tư phát triển, 224.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi và 70.000 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Số trái phiếu được phát hành thêm này dùng để cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, các dự án, công trình dở dang đã có trong danh mục TPCP giai đoạn 2012 - 2015 sau khi rà soát còn thiếu vốn, vốn đối ứng cho các dự án dùng vốn ODA....

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có quyết định giảm mạnh số lượng thành viên tham gia đấu thầu TPCP trên thị trường chứng khoán năm 2014 xuống chỉ còn 25 thành viên, thay vì 36 thành viên như năm 2013. Trong đó, số lượng NHTM giảm từ 22 ngân hàng xuống còn 17 ngân hàng; số lượng công ty chứng khoán giảm từ 14 công ty xuống còn 7 công ty. Quyết định này nằm trong định hướng chung của Bộ Tài chính về việc thu gọn và chuyên nghiệp hóa các thành viên tham gia thị trường sơ cấp TPCP. Điều đó cho thấy, các NHTM vẫn là các thành viên đông đảo nhất tham gia đấu thầu và thực tế khối lượng trái phiếu trúng thầu, được phát hành cũng chủ yếu là các NHTM.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ đầu năm 2014 đến ngày 7/3/2014, KBNN đã huy động được hơn 45.262 tỷ đồng từ kênh phát hành TPCP. Riêng trong phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành ngày 6/3/2014 đã huy động được hơn 10.000 tỷ đồng với 3 loại kỳ hạn 2 năm: 3.000 tỷ đồng, 3 năm: 4.000 tỷ đồng và 5 năm: 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu 6,1%/năm, thấp hơn 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 26/2/2014).

Trái phiếu kỳ hạn 3 năm có tới 18 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 9.750 tỷ đồng, nhiều gấp hơn 2 lần gọi thầu. Vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 6,3- 7%/năm. Kết quả, huy động thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm lãi suất trúng thầu 6,58%/ năm, thấp hơn 0,17%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 26/02/2014). Lãi suất thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với lãi suất trái phiếu phát hành năm 2013.

Trái phiếu chính phủ: Kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển - Ảnh 3

Dự báo, với diễn biến kinh tế vĩ mô như hiện nay: mở rộng tín dụng an toàn của các NHTM vẫn rất khó khăn; đầu tư vào vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản… vẫn còn nhiều rủi ro, thì các NHTM vẫn dành một khối lượng vốn đáng kể huy động được của dân để đầu tư vào trái phiếu.

Nếu so sánh với lãi suất cho vay hiện nay từ 8-10%/năm thì rõ ràng đầu tư vào trái phiếu có lãi suất thấp hơn, đồng thời nếu so sánh với lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện nay của các NHTM phổ biến là 6,8% – 7,0%/năm thì chênh lệch hầu như không đáng kể. Song trong bối cảnh môi trường cho vay vẫn còn nhiều rủi ro, lãi suất thị trường tiền tệ tiếp tục có xu hướng đi xuống, lãi suất cho vay có thể phải điều chỉnh, thì việc đầu tư vào trái phiếu vẫn là sự lựa chọn của nhiều NHTM. Khi có nhu cầu vốn khả dụng, NHTM có thể sử dụng trái phiếu giao dịch trên thị trường mở cho đảm bảo khả năng thanh toán của mình.

Trên thị trường liên ngân hàng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay cung vốn dồi dào, lãi suất giảm nhanh. Lãi suất qua đêm trước Tết Nguyên đán từng lên tới khoảng 5%/năm, nay đã giảm về khoảng 1,3% - 1,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn khác cũng giảm khá sâu. Trong bối cảnh này, kế hoạch phát hành TPCP sẽ có nhiều thuận lợi. Chi tiêu của Chính phủ liên tục tăng trong nhiều năm gần đây và trong những năm tới, khoảng cách giữa thu và chi ngày một giãn rộng đến mức Quốc hội phải thông qua đề xuất nâng trần thâm hụt ngân sách nhà nước lên 5,3% GDP trong năm 2014; đồng thời, thông qua đề xuất phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2014 - 2016 để tài trợ cho các dự án lớn. Con số 170.000 tỷ đồng này không bao gồm lượng 75.000 tỷ đồng trái phiếu đã được đưa vào kế hoạch phát hành giai đoạn 2012 – 2015.

Không chỉ Chính phủ, mà các địa phương cũng tăng cường phát hành trái phiếu do áp lực tự tìm vốn tài trợ cho các dự án của địa phương mình. Bên cạnh đó, một loạt các doanh nghiệp cũng đang lên các kế hoạch phát hành trái phiếu hàng ngàn tỷ đồng, với lãi suất hấp dẫn hơn rất nhiều so với TPCP và TPCP bảo lãnh.

Trái phiếu chính phủ: Kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển - Ảnh 4

Vấn đề đặt ra

Bộ Tài chính triển khai phát hành TPCP để huy động vốn cho đầu tư phát triển và các mục tiêu chung khác về phát triển kinh tế xã hội khác nhau như: KBNN trực tiếp phát hành, đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phát hành trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) thực hiện, do Chính phủ bảo lãnh, thực chất cũng là một dạng TPCP. Về quản lý nợ, đây đều là các khoản nợ công, do đó đều phải tính toán đến khả năng trả nợ khi trái phiếu đến hạn thanh toán.

Sự tăng nhanh lượng trái phiếu huy động vốn của ngân sách nhà nước sẽ dẫn đến gia tăng nợ công của Việt Nam. Song thực tế là có 2 nguồn đầu tư chính trong các nền kinh tế, đó là đầu tư tư nhân và đầu tư công. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhiều DN Việt Nam co hẹp hoạt động, tăng trưởng tín dụng NHTM khó khăn (đó là biểu hiện rõ nhất của đầu tư tư nhân suy giảm) thì việc huy động vốn qua phát hành TPCP để tạo nguồn cho đầu tư công mở rộng đã góp phần giữ vững tổng đầu tư toàn xã hội, là động lực trực tiếp tạo nên tăng trưởng kinh tế. GDP Việt Nam năm 2013 tăng 5,42% và năm 2014, mục tiêu đặt ra là 5,8%, là những con số cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, trong đó có đóng góp không nhỏ từ đầu tư công từ nguồn vốn phát hành trái phiếu.

Một điểm tích cực khác, dự thảo Luật Đầu tư công đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, dự kiến sẽ được xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 7 (năm 2014). Với việc có Luật Đầu tư công, công tác quản lý đầu tư nguồn vốn này sẽ có sự đổi mới, từ đó, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, giúp nguồn vốn này có đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế về dài hạn. Hay nói cách khác, tăng cường đầu tư công phải gắn liền với nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng hay những tiêu cực khác.

Trái phiếu chính phủ: Kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển

ThS. LÊ VĂN NGHĨA - Tỉnh ủy Đắc Lắc

(Tài chính) Kết thúc năm 2013, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) của Việt Nam đạt quy mô vốn huy động cao kỷ lục (195.000 tỷ đồng), tăng 25% so với năm 2012 và trở thành thị trường có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á. Có thể khẳng định, TPCP có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế, là kênh dẫn vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Xem thêm

Video nổi bật