Trái phiếu chính phủ xanh – Kênh hút vốn mới
Trái phiếu xanh được coi là công cụ tài chính để huy động vốn cho các dự án đem lại lợi ích cho môi trường. Những quy định về trái phiếu xanh tại Nghị định 95/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch loại hình trái phiếu này.
Tiến trình thí điểm trái phiếu xanh
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu. Vì vậy, trái phiếu xanh đang được xem như một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012), từ năm 2012, Việt Nam đã có định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh.
Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn đoạn 2014-2020”, trong đó quy định về các nguồn vốn thực hiện các hoạt động gồm: Vốn từ ngân sách nhà nước trong Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu; Từ nguồn lực của các doanh nghiệp; từ cộng đồng và từ nguồn viện trợ của quốc tế.
Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2183/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Quyết định nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính, nhằm phát triển thị trường vốn xanh.
Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: Trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành.
Về trái phiếu xanh, ngay từ cuối năm 2015, chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Quốc gia với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Trên cơ sở đó, ngày 20/10/2016, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương.
Theo đó, 2 địa phương triển khai thí điểm trái phiếu xanh là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa -Vũng Tàu, với loại trái phiếu phát hành là trái phiếu chính quyền địa phương, thời gian từ năm 2016 - 2017, kỳ hạn từ 3-5 năm.
Đến nay, theo thống kê sơ bộ, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho 34 dự án; Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu xanh với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án.
Trong thời gian qua, nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh cũng đã được các bộ, ngành đồng loạt triển khai như: Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thường niên đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh.
HNX và Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã và đang tích cực xây dựng các biện pháp để hiện thực hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động phối hợp với một số tổ chức quốc tế phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Thúc đẩy xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính phủ xanh
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu xanh chính thức vẫn chưa được thực hiện do khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn báo cáo nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững chưa đầy đủ, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế, thiếu tổ chức độc lập có đủ năng lực để đánh giá về các chỉ số phát triển bền vững cho các công ty…
Để phát triển trái phiếu xanh, việc thiết lập một khung trái phiếu xanh là rất cần thiết. Nhằm tiến tới một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này, tại Nghị định 95/2018/NĐ-CP ngày 30/06/2018 (quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán), Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính phủ xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Nội dung của đề án bao gồm: mục đích và khối lượng phát hành; điều kiện, điều khoản của trái phiếu; việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch… Bên cạnh đó, Nghị định 95/2018/NĐ-CP cũng quy định về điều kiện điều khoản, việc tổ chức phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch trái phiếu chính phủ xanh.
Những quy định về trái phiếu xanh tại Nghị định 95/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch loại hình trái phiếu này.