Đón kết quả kinh doanh quý II/2018, nhà đầu tư vẫn cần "cẩn tắc vô áy náy"

Theo Hóa Khoa/nhadautu.vn

Với việc nhiều chuyên gia chứng khoán đánh giá quý II/2018 là quý ghi nhận điểm rơi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nên cần cẩn trọng khi giải ngân mua vào cổ phiếu ở giai đoạn này.

Nhà đầu tư nên cần cẩn trọng khi giải ngân mua vào cổ phiếu ở giai đoạn này. Nguồn: internet
Nhà đầu tư nên cần cẩn trọng khi giải ngân mua vào cổ phiếu ở giai đoạn này. Nguồn: internet

Tuần giao dịch đầu tháng 7 đã diễn ra ‘cân não’ với các phiên tăng điểm, giảm điểm xen kẽ lẫn nhau. Về mặt tổng thể, thị trường tiếp tục có tuần giao  dịch tiêu cực khi giảm hơn 40 điểm và đóng cửa ở mức 917,51 điểm. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 137,7 triệu cổ phiếu/phiên (tăng 14,7%), tương đương với giá trị giao dịch trung bình đạt 3.269 tỷ đồng/phiên (tăng 19,6%).

Tâm lý bán tháo cổ phiếu trên các cổ phiếu và nhóm ngành trụ cột là nguyên nhân chính khiến thị trường tiếp tục có tuần giảm điểm mạnh.

Tuần giao dịch mới sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều thông tin như (1) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (2) FED tăng lãi suất (3) Tình hình tỷ giá,… Đặc biệt, tuần giao dịch tới ghi nhận sẽ xuất hiện các thông tin kinh doanh quý II/2018 tới đây của doanh nghiệp dần hé lộ.  

Trong quý I/2018, Lợi nhuận sau thuế (LNST) của các công ty niêm yết trên HOSE tăng trưởng 30%, trong đó khối Ngân hàng tăng trưởng 56%. BSC đánh giá, Lợi nhuận dự kiến tăng trưởng trên 20% và cùng với mức giảm giá sâu về mức giá hợp lý sẽ mở ra cơ hội cho hoạt động đầu tư cơ bản.

Công ty Chứng khoán này dánh giá, LNST quý I/2018 của các công ty niêm yết trên HOSE tăng trưởng 30% so cùng kỳ trong khi đó số lượng cổ phiếu pha loãng tăng 6%. Lợi nhuận cải thiện cùng với giảm giá trên diện rộng giúp cho P/E và P/B VN-Index giảm từ 21.5 và 3.3 lần về 18.1 và 2.6 lần vào cuối tháng 6.

Xu hướng này còn tiếp tục khi mùa công bố KQKD diễn ra trong vòng 2 tháng tới. P/E lần lượt 11.6 và 10 lần.

Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) lại dự báo, lợi nhuận ước tính 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp vẫn sẽ tích cực và EPS năm nay tăng khoảng 24%.

HSC cũng đánh giá tình hình thế giới có nhiều bất ổn và một phần những gì đang diễn ra là quá trình đưa mặt bằng P/E dự phóng về mức bình thường trong dài hạn trong bối cảnh thanh khoản của thế giới đang thắt chặt. Hiện thời kỳ vốn rẻ sắp kết thúc và tình hình còn phức tạp thêm bởi tranh chấp thương mại. Cho dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm khá mạnh trong một thời gian ngắn và hiện đã có giá trị tốt để đầu tư.

Song vậy, ý kiến một số chuyên gia từ các Công ty Chứng khoán lại không quá đề cao giai đoạn quý II/2018.

Cụ thể, ông Vũ Xuân Hiệu - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Trí Việt cho rằng, kết quả kinh doanh quý II/2018 của các doanh nghiệp lớn nói chung sẽ không có nhiều đột biến và diễn biến cung cầu thị trường trong tuần cuối tháng 6/2018 đã thể hiện khá rõ mức độ kỳ vọng, đánh giá của giới đầu tư vào các doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định Quý II/2018 thường là quý thấp điểm của thị trường. Ông cũng không quá kỳ vọng vào kết quả doanh trong quý này. Ông cũng nhấn mạnh, yếu tố trợ lực cho thị trường đến từ việc các thông tin xấu đã xuất hiện hết.

Cơ hội vẫn mở ra, nhưng không phải ở mọi nhóm ngành

Trong bối cảnh như vậy, nhà đầu tư càng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn giải ngân mua vào cổ phiếu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh. Xu hướng tăng cũng sẽ không diễn ra ở tất cả các nhóm ngành.

Tuy vậy, cơ hội vẫn mở ra khi dòng tiền thông minh sẽ lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh tốt và mức độ sử dụng đòn bẩy thấp. Ngoài ra, các đợt điều chỉnh mạnh cũng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư – nhất là các nhà đầu tư dài hạn.

Một trong những điểm sáng đến từ việc nhiều doanh nghiệp có ước kết quả kinh doanh quý II tích cực.

Có thể kể đến như, Công ty CP Tập đoàn Masan với doanh thu thuần hợp nhất dự kiến đạt mức 17.728 tỷ đồng, Fecon dự kiến đạt 650 - 700 tỷ đồng doanh thu trong quý II, tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, nhiều Ngân hàng đã công bố ước KQKD tích cực như  Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) vừa công bố 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2017 và thực hiện hơn 55% kế hoạch 2018; với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (mã CTG), LNTT 6 tháng đầu 2018 của họ đạt khoảng 5.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB) sau 5 tháng đầu năm 2018 đạt tới 918 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 50% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2018.

Ông Nguyễn Thế Minh nhận định, trong mùa báo cáo tài chính quý II/2018, ngoài các doanh nghiệp sớm công bố ước tính KQKD cao, nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành như Lĩnh vực hàng không, Thực phẩm đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Nhóm ngành năng lượng.

VDSC trong báo cáo chiến lược mới nhất cho tháng 7/2018 đã đưa ra danh mục đầu tư mô phỏng dành cho nhà đầu tư dài hạn. Cụ thể, Công ty Chứng khoán này khuyến nghị ngành Tiêu dùng tùy chọn (Công ty CP Hàng không VietJet Airs – mã VJC), Hàng tiêu dùng (Công ty CP Đường Quảng Ngãi – mã QNS, Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn – mã VHC), Nguyên vật liệu (Công ty CP Cao su Phước Hòa – mã PHR), Công nghiệp (Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco – mã AST, Công ty CP Hàng không Việt Nam – mã ACV, Công ty CP Thép Nam Kim – mã NKG, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh – mã DXG), Tiện ích (Công ty CP Thủy điện Miền Trung – mã CHP).