6 tháng đầu năm, tổng khối lượng giao dịch phái sinh đạt 5.537.761 hợp đồng

PV.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, dù không ít đồn đoán về bóng dáng "cá mập" xuất hiện trong thời gian qua khiến TTCK phái sinh biến động khá mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TTCK phái sinh duy trì tốc độ tăng trưởng với khối lượng giao dịch liên tục tăng so với tháng trước, đặc biệt tăng mạnh khi thị trường cơ sở biến động mạnh trong tháng 5 và tháng 6 khi VN30 Index có giai đoạn sụt giảm hơn 100 điểm.

Giá các hợp đồng tương lai biến động theo biến động chỉ số thị trường cơ sở. Cụ thể với trường hợp mã hợp đồng tương lai đáo hạn vào tháng 6/2018, tại thời điểm niêm yết trong tháng 10/2017 và đầu năm 2018, khi kỳ vọng đối với thị trường cơ sở tăng, hợp đồng được giao dịch với giá cao hơn chỉ số VN30 Index.

Tuy nhiên, khi còn một tháng đến thời điểm đáo hạn, giá của hợp đồng tương lai bám sát chỉ số và biến động đồng đều với chỉ số. Thanh khoản tập trung vào hợp đồng kỳ hạn ngắn, nhất là khi thị trường cơ sở biến động.

Trong quý II/2018, khối lượng giao dịch phái sinh đạt 4.187.579 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hơn 417.784 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý I/2018.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng giao dịch đạt 5.537.761 hợp đồng. Khối lượng giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 45.767 hợp đồng/phiên, gấp 4,18 lần so với năm 2017. Trong tháng 5 và 6/2018 thanh khoản thị trường tăng mạnh đạt lần lượt 74.567 và 94.568 hợp đồng/phiên.

Khối lượng mở OI toàn thị trường duy trì ổn định trong suốt 6 tháng và đạt 11.812 hợp đồng tại ngày 29/6, tăng 46,24% so với cuối năm 2017. 

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh liên tục được mở, trung bình mỗi ngày có 150 tài khoản mới. Tính đến ngày 29/6/2018, đã có 35.275 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và bằng 1,72% tổng số tài khoản giao dịch của cả TTCK nói chung, trong đó, có 164 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài và 126 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức. Số tài khoản có giao dịch là 5.917 tài khoản (chiếm khoảng 23,3% số tài khoản của TTCK phái sinh).

Trước đó, trả lời phỏng vấn của Trí thức trẻ trước băn khoăn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ việc thị trường cơ sở biến động giảm sâu thời gian qua thì có thể có nhiều "cá mập" tham gia chứng khoán phái sinh, ông Kang Moon Kyung, CEO chứng khoán Mirae Asset nhận định có thể có bóng dáng "cá mập" trên thị trường phái sinh.
Chuyên gia này cho rằng, không chỉ ở Việt Nam, thị trường phái sinh của nước nào cũng luôn có bóng dáng của nhóm nhà đầu tư tổ chức và họ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thanh khoản của thị trường.
"Ở Việt Nam tôi đã nhìn thấy nhiều bóng dáng của nhà đầu tư lớn khi có những lệnh đến vài ngàn hợp đồng, điều này góp phần tạo nên thanh khoản và sôi động cho thị trường nhưng cũng góp phần gây nhiễu động lớn về giá của chứng khoán phái sinh", ông Kang Moon Kyung chia sẻ. 
Thống kê của HNX cũng cho thấy, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đặc biệt trong tháng 5 và tháng 6. Chỉ tính riêng tháng 6, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã bằng 1/3 tổng khối lượng giao dịch của khối này trong 6 tháng đầu năm.
Tổng khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2018 đạt 13.567 hợp đồng, chiếm 0,12% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tổ chức nước ngoài bắt đầu tham gia giao dịch từ tháng 4, trong 3 tháng qua đã giao dịch với khối lượng 2.209 hợp đồng.