Trái phiếu đang hấp dẫn dòng vốn ngoại
“Thị trường trái phiếu Việt Nam đang có khá nhiều điểm hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Xu hướng này có thể tiếp tục trong năm 2013…”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nhận định.
Hai yếu tố thường khiến NĐT nước ngoài lo ngại nhất khi đầu tư vào thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam, là lạm phát cao và sự mất giá của VND so với USD. Hai quan ngại này đã được hóa giải khá thành công trong năm qua. Có phải đây là lý do chính khiến khối ngoại quay lại TTTP, thưa ông?
Khi đầu tư vào trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ, ngoài yếu tố về khả năng trả nợ của trái chủ, các NĐT nước ngoài luôn quan tâm đến xu hướng biến động của tỷ giá và lạm phát, bởi đây là hai rủi ro chính đối với họ. Vì vậy, nếu tỷ giá và lạm phát có chiều hướng ổn định và giảm thấp, sẽ là môi trường đầu tư hấp dẫn NĐT nước ngoài khi mặt bằng lãi suất ở Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với hầu hết các nước trong khu vực và quốc tế. Hai yếu tố then chốt này đã được kiểm soát tốt trong năm 2012, nên giúp TTTP thu hút khối ngoại tham gia, nhất là những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Lâu nay, tỷ giá USD/VND luôn bị tác động lớn bởi biến động trên thị trường vàng. Tuy nhiên, do việc quản lý thị trường vàng bước đầu mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là đã xử lý được tình trạng giao dịch vàng miếng “ảo”, nên giúp tỷ giá USD/VND ổn định trong năm 2012. Với chính sách quản lý thị trường vàng đang đi đúng hướng, không chỉ trong năm 2013, mà cả giai đoạn tới, biến động trên thị trường vàng sẽ ít tác động đến thị trường ngoại hối nói chung, tỷ giá VND/USD nói riêng. Mặt khác, năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) ở mức khá thấp, khoảng 6 - 6,5%, nên khối ngoại tin tưởng kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của TTTP.
Lạm phát thấp là điều kiện thuận lợi để có thể giảm tiếp mặt bằng lãi suất trong năm nay. Đây có là yếu tố gia tăng sức hấp dẫn cho TTTP hay không?
Theo định hướng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, lãi suất sẽ được điều hành linh hoạt theo diễn biến CPI, nhằm khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh CPI đang ở mức thấp và có một số yếu tố hỗ trợ khác, vẫn còn dư địa cho giảm thêm mặt bằng lãi suất trong năm 2013. Khi mặt bằng lãi suất giảm thêm, sẽ giúp cho trái phiếu tăng giá, nên sẽ kích thích NĐT tham gia thị trường.
Còn một yếu tố nữa mà NĐT nước ngoài luôn cân nhắc khi đưa ra quyết định giải ngân vào một TTTP cụ thể, đó là so sánh mặt bằng lãi suất giữa các thị trường có điều kiện khá tương đồng với nhau. So với các thị trường Indonesia, Malaysia…, thì mặt bằng lãi suất tại Việt Nam luôn cao hơn, nên cũng là yếu tố hấp dẫn NĐT nước ngoài tham gia TTTP Việt Nam.
Sự sôi động trên TTTP trong năm qua chỉ diễn ra đối với trái phiếu chính phủ, còn trái phiếu doanh nghiệp vẫn èo uột. VBMA có kiến nghị gì hoặc có kế hoạch triển khai giải pháp nào trong năm nay, để giúp trái phiếu doanh nghiệp dần phát triển rõ nét hơn?
Kênh trái phiếu doanh nghiệp nhiều năm qua chưa phát triển, không chỉ bởi cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng, mà còn bởi kinh tế vĩ mô khó khăn, nên các doanh nghiệp rất khó đạt kết quả kinh doanh tốt để có điều kiện phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, những hạn chế này đang có triển vọng được khắc phục, khi Bộ Tài chính có kế hoạch trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động của công ty định mức tín nhiệm, để ban hành trong năm nay. Được biết, Bộ Tài chính cũng sắp phê duyệt Lộ trình phát triển TTTP đến năm 2020. Điều này sẽ tạo ra bước ngoặt đối với sự phát của TTTP Việt Nam, bởi sau rất nhiều năm chờ đợi, lần đầu tiên Việt Nam có một kịch bản phát triển TTTP vừa tổng thể, vừa chi tiết. Với bước chuyển động chính sách này, rõ ràng, NĐT trong và ngoài nước nhìn thấy tương lai phát triển bài bản, chuyên nghiệp hơn của TTTP.
Bộ Tài chính cũng sắp có ý kiến lần cuối đối với Đề án xây dựng Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở ý kiến này, VBMA sẽ bắt tay xây dựng Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, để khắc phục một trong những cản trở lớn nhất đối với sự phát triển của kênh trái phiếu doanh nghiệp là thông tin cả trên thị trường sơ cấp, lẫn thị trường thứ cấp đều phân tán, không rõ ràng. Qua đó, tạo thuận lợi cho kênh trái phiếu doanh nghiệp phát triển, góp phần giúp cho các doanh nghiệp có thể huy động vốn tốt hơn cũng như giúp các nhà đầu tư tiếp cận được trái phiếu doanh nghiệp.