Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng phải có định mức tín nhiệm
Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể về trường hợp doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu ra công chúng phải xếp hạng tín nhiệm.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) thông tin tại Hội thảo "Phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm" do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức ngày 16/11/2020.
Doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường phải có định mức tín nhiệm
Nếu như trước kia doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng hoặc huy động thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thì giờ đây khai thông nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trung và dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt là xu hướng mới trong ngành tài chính.
Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, lợi nhuận cao đi liền với rủi ro lớn. Việc nhà đầu tư cá nhân nếu không nắm bắt thông tin về doanh nghiệp mà đẩy mạnh rót vốn vì mục tiêu kiếm lợi nhuận cao, thì cũng cần chuẩn bị trước tâm lý “nhất ăn cả, ngã về không”, thậm chí đối mặt với rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Cơ chế mới điều tiết thị trường TPDN trong thời gian tới sẽ không nới lỏng hay thắt chặt như một số ý kiến, mà hướng tới đảm bảo tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động được vốn trên thị trường song song với đảm bảo sự minh bạch, tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Theo ông Matthew Batrouney, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của S&P Global Rating, các quốc gia ở châu Á hiện nay ở giai đoạn phát triển trái phiếu khác nhau về cơ sở thị trường và cả pháp lý. Với thị trường Việt Nam, dù quy mô thị trường trái phiếu so với GDP cao hơn so với Philippines và Indonesia, nhưng vẫn thiếu một yếu tố cơ bản là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm mạnh.
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn phát hành TPDN để thay thế toàn bộ các quy định hiện hành nhằm đảm bảo tính đồng bộ. Điểm mới trong bản dự thảo này là TPDN phát hành ra công chúng bắt buộc phải có định mức tín nhiệm.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết “Với khung khổ pháp lý đã được hoàn thiện đầy đủ, Bộ Tài chính sẽ cấp phép cho các DN tốt nhất hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, nhằm tạo nguồn cầu sử dụng và hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm (XHTN), góp phần phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của DN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp tục tổ chức các hội thảo để tuyên truyền, đào tạo thị trường, giúp gia tăng nhận thức cho NĐT đối với loại hình dịch vụ quan trọng và thiết thực này…”
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kỹ thương cho biết, theo quy định tại dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp có tổng dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm đăng ký chào bán vượt 100% vốn chủ sở hữu thì phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, những doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong mỗi 12 tháng vượt 50% vốn chủ sở hữu và lớn hơn 500 tỷ đồng cũng phải xếp hạng tín nhiệm. Quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 ở mức cao, lên tới 12,9 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp trên 3 sàn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Upcom có hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở ngưỡng trên 1 lần là tương đối lớn, khoảng trên 300 doanh nghiệp.
Cần ban hành khung khổ pháp lý hoạt động cho doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm
Hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường, giúp nhà đầu tư nhận thức được tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quá trình thiết lập thị trường xếp hạng tín nhiệm ở các nước đều trải qua các giai đoạn (i) ban hành khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm (ii) thành lập một số doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước (iii) quy định bắt buộc các tổ chức khi huy động vốn trên thị trường phải được định mức tín nhiệm.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường vốn nói chung, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là điều kiện tiền đề cho việc hình thành thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông David Gottlieb - Tham tán Kinh tế và Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia " Các nhà đầu tư mong mỏi sự minh bạch, sự minh bạch là nền tảng cốt lõi, hướng đến dòng tín dụng lưu chuyển một cách dễ dàng và có lợi ích rất rõ ràng cho nền kinh tế, trong thời điểm này có các tổ chức tín dụng có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự minh bạch giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam "
Theo ông Donald Lambert - Giám đốc phát triển khu vực tư nhân Việt Nam - Ngân hàng ADB: " Với các thị trường trái phiếu mới nổi đã tăng trưởng rất nhanh từ 300 tỷ USD lên 6.000 tỷ USD trong vòng 20 năm vừa qua đạt tỷ lệ hơn 17% mỗi năm, trong đó Trung Quốc tăng nhanh nhất và đạt tỷ lệ tăng trưởng kép 45% mỗi năm và chiếm tới 2/3 thị trường trái phiếu châu Á năm 2000, thị trường trái phiếu còn tăng trưởng rất nhanh ở châu Á, nó sẽ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng pháp lý trái phiếu các nước.
Ở các thị trường đã phát triển đều hình thành các công ty xếp hạng tín nhiệm sớm , ví dụ như Hàn Quốc đã 40 năm, ở Đông Nam Á thì Philippines, Malaysia mới cam kết thành lập Tổ chức xếp hạng tín nhiệm gần đây. Cơ chế pháp lý hoàn thiện giúp phát triển cơ sở hạ tầng qua thị trường trái phiếu, giúp nước đó huy động được trái phiếu lãi suất thấp hơn để phát triển kinh tế".
Bà Nidhi Dhruv - Phó Chủ tịch, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối tài sản doanh nghiệp, Moody: " Moody's đánh giá khả năng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhà nước dựa trên phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố từ bên ngoài như xu hướng ngành/nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, cơ cấu sở hữu, vị thế trên thị trường, cơ cấu doanh thu. Khả năng doanh nghiệp càng có nhiều vốn từ nhà nước thì càng nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước càng lớn, ví dụ như Công ty Petronas được sở hữu 100% vốn chính phủ Malaysia được đánh giá cao hơn mức tín nhiệm quốc gia thì mức tín nhiệm được xếp hạng cao hơn trên thị trường huy động vốn"
Xếp hạng tín nhiệm chỉ là thông tin ban đầu để các nhà đầu tư quyết định tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, điều này giúp cho nhà đầu tư nước ngoài vốn của các công ty ở trên thị trường, các công ty xếp hạng tín nhiệm giúp minh bạch thông tin cho nhà đầu tư, nhà quản lý đánh giá được rủi ro tốt hơn.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating (PTR) và Công ty Cổ phần FiinGroup. Tuy nhiên, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm vẫn còn rất hạn chế do chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường, nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.
Để thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quy định việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được trình Chính phủ ban hành theo hướng quy định các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện. Quy định này sẽ tạo cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; từng bước hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với cả trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng không thuộc trường hợp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm.
Việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng là cơ sở để các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm theo hướng phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng và trái phiếu doanh nghiệp không được xếp hạng, qua đó khuyến khích các tổ chức tài chính nêu trên ưu tiên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm tốt.
Với vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được thiết lập ở hầu hết các nước có thị trường vốn, thị trường chứng khoán phát triển và mới nổi, trong đó ở khu vực ASEAN có các nước: Thái Lan, Indonesia, Philippine, Malaysia đều đã có doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước.
Tại Việt Nam, với khung khổ pháp lý đã được hoàn thiện đầy đủ, Bộ Tài chính sẽ lựa chọn để cấp phép cho các doanh nghiệp tốt nhất hoạt động tại Việt Nam; đồng thời tiếp tục tổ chức các Hội thảo để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu.