Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cần các tổ chức xếp hạng tín nhiệm

PV.

Sau nhiều năm tăng trưởng chậm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã khởi sắc. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp để tạo niềm tin nhiều hơn cho các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa xuất bản báo cáo "Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam”. Theo nhận định của Báo cáo này, sau nhiều năm tăng trưởng chậm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã khởi sắc. Cụ thể, từ năm 2012 đến năm 2019, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 40%; lượng trái phiếu đang lưu hành lên tới khoảng 11,5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam - cao thứ tư trong ASEAN.

Thông thường, không nhà đầu tư nào đưa ra quyết định đầu tư nếu dựa theo khuyến nghị của tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, những ý kiến, phân tích, cảnh báo của các tổ chức tín nhiệm lại rất quan trọng, trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trước khi ra quết định. Những nhận xét của tổ chức này cũng có thể giúp củng cố thêm trật tự của thị trường bằng cách định hướng nhà đầu tư không nên tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá và phía bên phát hành trái phiếu đưa ra các trái phiếu có ràng buộc lỏng lẻo. Hơn thế nữa, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ có thể giúp bên phát hành có được điều khoản có lợi hơn trong đó có bao gồm thời hạn dài hơn và chênh lệch tín dụng thấp hơn...

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng tiềm ẩn rủi ro, chủ yếu bởi có rất ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm công khai. Theo đánh giá của ADB, việc xếp hạng tín nhiệm khá hiếm bởi Việt Nam hiện vẫn thiếu cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước. Hai công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép (công ty thứ nhất trong năm 2017 và công ty thứ hai vào tháng 3/2020) đều chưa hoạt động. “Việc thiếu văn hóa xếp hạng tín nhiệm đặt ra những rủi ro đáng kể đối với thị trường trái phiếu và lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần một phần tư tổng lượng trái phiếu phát hành”, Báo cáo của ADB nhận định.

Trên thực tế, nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã rất quan tâm đến hoạt động xếp hạng. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, giúp tạo cơ sở pháp lý để cấp phép cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Chính phủ còn hỗ trợ tổ chức rất nhiều sự kiện để tuyên truyền, phổ biến cho thị trường về giá trị của việc xếp hạng. Luật Chứng khoán mới ban hành năm 2019 cũng yêu cầu một số trái phiếu phát hành ra công chúng (nhưng không phải phát hành riêng lẻ) phải được xếp hạng bởi một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ có hiệu lực kể từ tháng 1/2021.

Theo ADB, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang mong muốn nhìn thấy sự tăng trưởng có trật tự của một thị trường trái phiếu lành mạnh và đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ đối với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước. Tại khắp các nước châu Á, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đã thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu để có được uy tín. Theo ADB, Việt Nam cần đi theo mô hình đó.

Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, đã có 1.660 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên tổng số 2.220 đợt đăng ký. Giá trị phát hành thành công lũy kế 9 tháng năm 2020 chiếm 64,1% trên tổng giá trị đăng ký phát hành. Các doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất trong tháng 9 là các tổ chức tín dụng, chiếm đến 90,2% tổng giá trị phát hành thành công, với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,21 năm.

Đặc biệt, trong tháng 9/2020, có 1 doanh nghiệp đã phát hành thành công 75 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, gấp 2,5 lần so với giá trị đăng ký phát hành, với kỳ hạn phát hành bình quân đạt 7 năm. 

Về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có 20 doanh nghiệp đã phát hành thành công 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên tổng số 90 đợt đăng ký. Giá trị phát hành thành công đạt 10,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,7% trên tổng giá trị đăng ký phát hành.