Tránh bán tháo cổ phiếu
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự lao dốc của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong phiên đầu tuần chủ yếu do yếu tố tâm lý.
Chốt phiên ngày 9/3, VN-Index giảm 6,28% (55,95 điểm) đóng cửa ở mốc 835,49 điểm, trong khi HNX-Index giảm 6,44 điểm đóng cửa ở mốc 106,34 điểm.
Chao đảo vì dịch bệnh
Nhiều tín hiệu lạc quan đã xuất hiện ở cuối tuần trước bất chấp những biến động mạnh từ TTCK thế giới. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi lớn theo chiều hướng tiêu cực trong những ngày cuối tuần qua. Hà Nội bất ngờ có thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 khiến người dân thủ đô chen lấn mua tích trữ đồ ăn và các vật dụng. Thật tệ, điều này lại trùng với thời điểm giá dầu thế giới giảm tới 30% do sự mâu thuẫn trong việc cắt giảm sản lượng dầu giữa các thành viên OPEC. Điều này khiến cho TTCK toàn cầu chao đảo, nhiều chỉ số đã giảm mạnh đến 4-5%, thậm chí có chỉ số giảm đến 6-7% như Singgapore, Úc, Thái Lan...
Cộng hưởng một loạt các vấn đề trên, TTCK Việt Nam cũng giảm rất mạnh ngay sau khi mở cửa phiên đầu tuần này. Phản ứng của thị trường ở phiên này khác nhiều so với những phiên đầu năm mới (30/1- 3/02) khi mà thị trường có đến hơn 200 mã giảm sàn, lực bán vô cùng lớn bất chấp giá nhiều cổ phiếu thủng đáy dài hạn.
Nhà đầu tư nên bình tĩnh
Trong bối cảnh hoảng loạn này, các nhà đầu tư (NĐT) cần thận trọng, không nên bán tháo bằng mọi giá, bởi những lập luận sau đây:
Thứ nhất, hiện đã là tháng thứ 3 kể từ khi dịch COVID-19 được phát hiện, và hiệu quả điều trị đang ngày một tốt. Tại Trung Quốc, tỷ lệ người nhiễm dịch bệnh giảm mạnh và số người khỏi tăng cao. Nước này đã tháo dỡ nhiều bênh viện dã chiến, cho thấy khả năng kiểm soát dịch đang tốt lên. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thứ hai, nhìn lại TTCK Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm mạnh khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia này, nhưng sau đó đã hồi phục trở lại mặc dù Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Thứ ba, nhiều cổ phiếu tại TTCK Việt Nam đã về vùng đáy hơn 1 năm nay, mặc cho TTCK thế giới tăng mạnh năm 2019. Do đó, TTCK thế giới đang điều chỉnh sau nhiều năm tăng trưởng là điều bình thường, còn với chúng ta đó có thể là cơ hội tốt.
Với dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện tại, TTCK Việt Nam có thể còn phản ứng nhưng sẽ không quá lớn. Trong kịch bản tích cực, thì thị trường có thể hồi phục nhẹ lên mốc 850-880 điểm, ngược lại chỉ số này sẽ về mốc 800 điểm.