Nhà đầu tư nên làm gì khi thị trường diễn biến tiêu cực?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Tin vào sức bền của thị trường, tránh bán tháo khi không cần thiết là khuyến nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng trước những diễn biến tiêu cực của thị trường những ngày vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cũng theo ông Dũng, việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm là cùng chung với diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới. Đặc biệt là phiên giảm điểm kỷ lục 9/3 trùng với "điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ".

Khó khăn dồn dập

Đầu tiên là giá dầu thế giới giảm và có thời điểm giảm đến 30%, mạnh nhất từ năm 1991, chạm tới đáy đầu năm 2016 ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần.

Nguyên nhân chính là do OPEC không đạt được thỏa thuận với các đồng minh trong phiên họp cuối tuần qua liên quan đến việc cắt giảm sản lượng. Điều này đồng nghĩa với việc vào ngày 1/4 tới đây khi thỏa thuận hiện hành hết hiệu lực, các nước sẽ được tự do quyết định sản lượng dầu thô. Theo đó, ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent năm 2020 sẽ tiếp tục giảm sâu về mức 20 USD/thùng.

Tiếp đến, Chính phủ Nhật Bản đã công bố số liệu kinh năm 2019 với kết quả xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày càng nặng của dịch Covid-19.

Đặc biệt hơn, không đợi đến cuộc họp thường kỳ tháng 3 như thông thường (17/3), ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm khẩn cấp 0,5 điểm phần trăm lãi suất. Theo đó, 65% giới đầu tư nhận định Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất ở mức 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 17/3.

Nếu nhận định trên đúng thì đây là mức cắt giảm lịch sử trong nhiều năm qua (giảm 1,25 điểm phần trăm trong vòng 1 tháng) và đưa lãi suất điều hành về mức 0,25% - 0,5%/năm. Điều này làm dấy lên lo ngại về suy giảm kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng. Như vậy, dòng thông tin tiêu cực với yếu tố chính là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ngay lập tức tác động mang tính cộng hưởng không tốt tới tâm lý của giới đầu tư toàn cầu.

Tại Việt Nam, những thông tin như trên không ảnh hưởng quá nhiều nhưng đà giảm điểm của thị trường chứng khoán đã được các chuyên gia dự báo trước. Nguyên nhân chính và trực diện nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi số bệnh nhân dương tính với Covid-19 tăng nhanh.

Ông Dũng đánh giá đây là yếu tố tiêu cực mang tính bất thường, nên tác động tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường, khiến xuất hiện việc bán tháo và giảm điểm mạnh.

Thực tế, thị trường chứng khoán được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi có nhiều thông tin bất lợi tới nền kinh tế toàn cầu hay có sự cố bất thường (như dịch bệnh hiện nay) sẽ phản ứng ngay tức thì.

Các nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực kinh tế
Các nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực kinh tế
 

Tôn trọng sự điều chỉnh

Trước đó, ngay sau phiên giảm điểm kỷ lục ngày 9/3, các chuyên gia đã đưa ra nhận định về diễn biến thị trường, cho rằng tâm lý bán tháo có thể đến từ những nhà đầu tư lướt sóng cùng với các nhà đầu tư mới tham gia cắt lỗ vì chưa dự đoán được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo đại diện của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, kinh nghiệm trong quá khứ đã chỉ ra khi bị tác động bởi các yếu tố đột biến như dịch bệnh hay địa chính trị, thị trường sẽ nhanh chóng kết thúc đà giảm và hồi phục. Những cú sốc như hiện tại sẽ khó kéo dài trừ khi nền kinh tế khủng hoảng thật sự.

Dịch bệnh đang ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng chưa xuất hiện những tác động trung, dài hạn rõ ràng mà phần lớn là ngắn hạn và tâm lý của nhà đầu tư đã phản ứng thái quá.

Đồng quan điểm, VNDirect cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang giảm mạnh do tâm lý bi quan từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc giải ngân và hạn chế các tài sản rủi ro.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt thuộc các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và những ngành nghề phần nào được hưởng lợi từ giá dầu giảm.

VNDirect đánh giá các ngành có triển vọng tích cực gồm: công nghệ, viễn thông, bán lẻ tiêu dùng thiết yếu, đồ dùng chăm sóc cá nhân, nhà cửa sửa; phân bón và điện.

Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, VNDirect cho rằng thời điểm này không nên bán cổ phiếu bằng mọi giá, vì thị trường có thể đã ở gần đáy ngắn hạn, nên chờ đợi nhịp phục hồi ngắn hạn của thị trường để hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu, tăng tỷ trọng tiền mặt và đặc biệt hạn chế sử dụng margin ở thời điểm này để giảm thiểu rủi ro ngắn hạn.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực hiện hữu của dịch Covid-19, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục điều hành thị trường theo quan điểm “tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”.

"Chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.