Tránh “bẫy nợ” Trung Quốc
Minh bạch, dân chủ nội bộ là phương kế tốt nhất tránh sa vào mạng lưới tài chính đầy mê hoặc từ Trung Quốc.
Sự bành trướng của Trung Quốc đã bắt đầu “làn sóng thứ hai”, diễn ra công khai, mạnh mẽ hơn, cũng có thể hiểu như là kết quả tất của “làn sóng thứ nhất”, khi những khoản nợ đến kỳ hạn phải trả, điều xấu nhất đã xảy ra như tại Uganda.
Ba gọng kìm trong cuộc “thập tự chinh” này là: Nhà nước toàn năng, hệ thống tài chính và doanh nghiệp quốc doanh. Các nước dính “bẫy” thường có chung tình trạng kinh tế kiệt quệ, chính trị bất ổn, thù địch với Mỹ, phương Tây.
Hiện nay, sức mạnh của nền kinh tế là một trong những “dấu hiệu” nhận biết khả năng độc lập của một quốc gia. Nói cách khác, nếu kinh tế bết bát sẽ dẫn đến các mối nguy an ninh quốc gia phi truyền thống, như mất khả năng thanh toán, vay nợ, nhượng địa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tất nhiên, một quốc gia có bức tranh tài chính “màu xám” sẽ không thể có đánh giá “màu hồng” từ các hãng độc lập như Moody’s, S&P và Fitch. Như thế là tự loại mình ra khỏi điều kiện yêu cầu vay vốn của các định chế tài chính minh bạch như Qũy tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á,…
Sudan, Uganda, Angola vì không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay quốc tế nên chỉ còn cách bắt tay với “hệ thống Trung Quốc” - vốn không quan tâm nhiều đến năng lực trả nợ mà dựa vào tài nguyên dưới lòng đất, bằng các chương trình “đổi hạ tầng lấy tài nguyên”, “đổi hạ tầng kinh tế lấy hạ tầng chiến lược”,…
Yếu tố chính trị nội bộ rất quan trọng để không mắc vào “thiên la địa võng” tài chính với Trung Quốc. Đó chính là nền dân chủ, những nơi mà người dân có tiếng nói đủ lớn; nhà nước tôn trọng quyền được biết và quyền giám sát của nhân dân thì các dự án “nguy hiểm” được đưa ra thảo thuận, bàn bạc, tính toán thiệt hơn trước khi nhà chức trách đặt bút ký.
Trường hợp của Angola, Tổng thống Eduardo dos Santos, người lãnh đạo phong trào nhân dân giải phóng Angola khỏi thực dân Bồ Đào Nha, ông ta tại vị suốt 38 năm, từ 1979 đến 2017.
Nội chiến Angola giữa 3 lực lượng MPLA, UNITA và FNLA kéo dài đến tận những năm cuối thập kỷ 90 khiến kinh tế kiệt quệ, nhiệm kỳ dài nhất lịch sử của dos Santos càng làm nhạt nhòa giá trị dân chủ, nuôi dưỡng độc tài và tham nhũng.
Để bảo vệ quyền lực cho đế chế của mình, Tổng thống dos Santos cần khai thác thật nhiều tài nguyên để có tiền trang trải, Trung Quốc là lựa chọn dễ dàng nhất bằng thỏa thuận đơn giản: các công ty Trung Quốc xây dựng hạ tầng trên toàn lãnh thổ Angola và nhận thanh toán trực tiếp từ Ngân hàng Eximbank (Trung Quốc). Trong khi đó công ty dầu mỏ quốc gia Sonagol cung cấp cho Bắc Kinh số lượng dầu cần thiết để trừ nợ.
Trung Quốc là đối tác không thể thiếu để thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế, nhưng tham vọng của họ là “rất khác biệt”. Đặc biệt, với nhà nước toàn năng, túc trí đa mưu, mọi kế hoạch ngoại giao, hợp tác đều được lập trình sẵn như một kiện tướng chơi cờ xuất chúng, có thể tính toán nhiều nước đi hiểm mà đối phương không ngờ.
Từ bài học xương máu ở nhiều quốc gia cho thấy, minh bạch, dân chủ nội bộ và tính dân tộc của giới chính trị cấp cao là sức đề kháng tốt nhất để ngăn chặn “bẫy nợ” Trung Quốc.