Tranh chấp tại Trung tâm thương mại Chợ Mơ được tháo nhờ thị trường?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Khi các bước cuối cùng của việc thi công Trung tâm Thương mại Chợ Mơ được thực hiện, phía khách hàng là Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân Vina (VPC) đã tố cáo chủ đầu tư là CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD), thi công và đầu tư không đúng các điều khoản trong hợp đồng.

Tranh chấp tại Trung tâm thương mại Chợ Mơ được tháo nhờ thị trường?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vì sao nên lỗi?

Dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại (TTTM) Chơ Mơ nằm tại 459C Bạch Mai, phường Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Dự án được xây trên khu đất trên 11.000 m2, gồm khối đế 5 tầng, hai khối tháp cao 15 tầng và 25 tầng; từ tầng 1 đến tầng 5A là Trung tâm thương mại và 3 tầng hầm (được thiết kế làm chợ truyền thống).

VCTD và VPC đã ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích mặt sàn khu TTTM Chợ Mơ với tổng giá trị hợp đồng khoảng 650 tỷ đồng (tương đương với 30,6 triệu USD). Theo đó, VCTD chuyển nhượng diện tích khu TTTM tạm tính là 21.122 m2 cho VPC. Ngày bàn giao dự kiến là ngày 1/10/2012 (có thể sớm hơn hoặc muộn hơn 3 tháng). Theo thống nhất của hai bên sau đó, thời hạn cuối cùng bàn giao TTTM là ngày 30/6/2013. Tuy nhiên, sau đó giữa hai bên xảy ra tranh chấp.

VPC tố cáo VCTD đã không đảm bảo chất lượng công trình như trong hợp đồng giữa hai bên. Theo VPC, sau khi ký hợp đồng, VCTD đã cố ý lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng không đúng so với thiết kế cơ sở và với hợp đồng đã ký. Về phần mình, VCTD đáp lại, họ làm theo giấy phép xây dựng và “không sai” như VPC dẫn chứng.

Để đền bù cho những thiệt hại của mình, VPC yêu cầu VCTD giảm giá. Tuy nhiên, mức độ giảm giá VPC đưa ra là gần 1/3 giá trị hợp đồng. Đây là con số quá lớn, vì vậy, VCTD không chấp nhận.

Để gây sức ép với VCTD, VPC đã chủ động đưa câu chuyện ra công chúng. Tại đây, VPC nói: hai bên đã nhiều lần trao đổi, tuy nhiên, việc đàm phán kéo dài 5 tháng và “VCTD không có thiện chí”, khi đưa ra mức đền bù không thể đáp ứng được chi phí, phí tổn của các nhà đầu tư của VPC. Tranh chấp giữa hai bên căng thẳng đến mức VPC gửi đơn thư khắp nơi, tới cả chính quyền địa phương là TP. Hà Nội và cơ quan quản lý thị trường bất động sản là Bộ Xây dựng.

Trong khi đó, hơn 21.000 m2 sàn diện tích thương mại bị bỏ trống huếch, trống hoác một cách lãng phí. 

Dàn xếp nhờ thị trường

Điểm đặc biệt trong vụ tranh chấp trên là, VPC cũng chính là một cổ đông lớn của VCTD, sở hữu 10% vốn của VCTD. Theo giới chuyên môn, nguyên nhân chính khiến hai bên, lẽ ra có mối quan hệ cùng hội cùng thuyền, bất đồng, chính là sự sụt giảm của thị trường bất động sản.

Thực trạng u ám của thị trường hồi cuối năm 2012 - 2013 khiến VPC và các khách hàng của họ khó tìm được khách thuê TTTM, trong khi đó, lãi suất vay vốn đầu tư lại ở mức rất cao. Dự án không đủ chất lượng là một cái cớ để VPC đàm phán việc giảm giá, điều chỉnh hợp đồng.

Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch Tổng công ty Vinaconex nói rằng, đến cuối năm 2014, tranh chấp giữa hai bên đã được hóa giải. VPC và VCTD, mỗi bên lùi một chút và đã thống nhất được các điều khoản để bàn giao sản phẩm và thanh lý hợp đồng.

Lãnh đạo VCTD cho biết, trước Tết Ất Mùi, hai bên đã thực hiện việc bàn giao toàn bộ diện tích TTTM. Hiện VCTD đang thực hiện nốt một số công việc theo yêu cầu của phía khách hàng. Lãnh đạo doanh nghiệp này hy vọng việc bàn giao sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 3, chậm nhất tháng 4/2015.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Phương, cho đến thời điểm này, VPC chưa có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện nốt nghĩa vụ theo hợp đồng và thỏa thuận đã được thống nhất giữa hai bên. Trong khi đó, nguồn tin từ VCTD cho biết, họ đang thi công một số hạng mục theo yêu cầu của khách thuê cuối cùng (khách hàng của VPC).

Những thông tin trên cho thấy, cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản, khi tìm được khách thuê TTTM, bất đồng giữa hai bên mới có điều kiện hóa giải. Có lẽ đây chính là lý do bên cạnh việc VPC và VCTD, mỗi bên chấp nhận lùi một bước để khép lại vụ tranh chấp từng gây ồn ào nhất trên thị trường bất động sản hồi cuối năm 2013.