Tránh phá sản khi đơn hàng bị đổ
Khi gặp phải trường hợp khủng hoảng đơn hàng xuất khẩu, để bảo vệ quyền lợi cổ đông, phần lớn doanh nghiệp đều ít lựa chọn phương án phá sản, mà chủ động thay đổi chiến lược để duy trì hoạt động.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành chủ lực của Việt Nam, như dệt may, da giày, thủy - hải sản, đồ gỗ…, thì việc ký được những đơn hàng lớn lâu nay luôn được xem là chuyện sống còn. Thế nhưng, có một thực tế là, nhiều doanh nghiệp đang né đơn hàng lớn, chỉ nhận đơn hàng nhỏ lẻ cho an toàn. Vì sao?
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lý giải, ngoài tình trạng thiếu vốn và sự bấp bênh nguồn nguyên liệu hiện là 2 vấn đề đau đầu nhất của hầu hết các doanh nghiệp ngành này, thì đang nổi lên rủi ro từ đối tác của doanh nghiệp.
Thời gian qua có không ít bạn hàng tại thị trường truyền thống, như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản sau khi ký xong hợp đồng lớn lại tuyên bố phá sản, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam phải lao đao xử lý đơn hàng đó.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn ở Cà Mau cho hay, cách đây không lâu, doanh nghiệp này đã ký một đơn hàng lớn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chiếm hơn 30% doanh thu của Công ty. Khi hàng chuẩn bị xuất đi, thì Công ty nhận được tin đối tác bị phá sản. Lúc này, công ty buộc phải huy động lượng người sang Nhật Bản trong khoảng 5 tháng để tự đi tìm đầu mối phân phối, bán lẻ của đối tác để giao hàng với giá rẻ hơn thị trường từ 5 đến 10%. Bằng cách này, Công ty đã bán được 70% tổng đơn hàng đó, số còn lại chuyển về Việt Nam, làm lại bao bì và chuyển sang cho các đơn hàng khác tại thị trường Mỹ, EU.
Không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ gỗ cũng vướng phải tình huống tương tự.
Trao đổi với phóng viên, một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi nhận một đơn hàng lớn của khách hàng tại Pháp trước thời điểm khủng hoảng xảy ra tại châu Âu, nhưng khi đơn hàng làm xong thì hay tin họ muốn bỏ của chạy lấy người. Hàng tồn kho chất đống, trong khi nguyên liệu gỗ nhập khẩu lại đắt, Công ty phải cử người sang chào hàng tại thị trường Mỹ và Canada với mức giá rẻ hơn. May mắn là chúng tôi đã bán được hết lô hàng đó”.
Rút kinh nghiệm từ bài học trên, nhiều doanh nghiệp đã quyết định thay đổi chiến lược là chỉ nhận những đơn hàng nhỏ lẻ và phải duy trì mối quan hệ thân thiết với các bạn hàng tại nhiều quốc gia khác nhau. Đối với doanh nghiệp thủy - hải sản, việc nhận các đơn hàng nhỏ lẻ còn là cách để doanh nghiệp tránh bị lỗ nặng. Bởi lẽ, để cạnh tranh về giá bán với các đối thủ đến từ Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, doanh nghiệp Việt Nam phải hạ giá liên tục, thậm chí có những lúc giá bán xuống mức thấp nhất từ khi tham gia thị trường đến nay. Trong khi đó, theo VASEP, dự kiến trong năm 2013, chi phí đầu vào cho các hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng khoảng 30%.
Theo nhận xét chung, phần lớn doanh nghiệp khi gặp phải trường hợp khủng hoảng đơn hàng xuất khẩu đều ít lựa chọn phương án phá sản để bảo vệ quyền lợi cổ đông, mà chủ yếu thay đổi chiến lược để duy trì hoạt động.
Song song với việc linh động thay đổi chiến lược thị trường, doanh nghiệp phải cải thiện năng lực cạnh tranh, không nên quá phụ thuộc và đơn hàng nước ngoài để tránh bị động về khâu thiết kế sản phẩm, bao bì và phân phối sản phẩm.