Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp để sớm phục hồi sản xuất

Theo Hương Giang/Báo Đồng Nai

Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch COVID-19 để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh. Hơn 1,2 ngàn DN, hiệp hội trên cả nước đã tham dự hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp và địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp và địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 8 tháng của năm 2021 đã có 85,5 ngàn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. VCCI đã tiến hành khảo sát 3 ngàn DN tại các tỉnh, thành về mức độ tác động của dịch bệnh.

Kết quả cho thấy sự ảnh hưởng của dịch bệnh lên DN là “rất khốc liệt” với gần 94% DN chịu tác động tiêu cực. Do đó, cộng đồng DN rất mong muốn Chính phủ kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN sớm phục hồi sản xuất.

Dịch bệnh làm mất nhiều đơn hàng

Việt Nam đã chuyển hướng phòng, chống dịch COVID 19 trong trạng thái tiến dần đến “bình thường mới”, nghĩa là “sống chung với dịch” để tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh. Các hiệp hội, cộng đồng DN tỏ ra rất đồng tình với định hướng trên, đồng thời mong muốn Chính phủ và các tỉnh, thành tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ DN, nới lỏng các quy định trong phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Như vậy, DN sẽ thuận lợi hơn trong phục hồi hoạt động.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết: “Gần 4 tháng nay, dịch bệnh COVID-19 đã làm DN mất đi nhiều đơn hàng. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN nhưng việc tiếp cận còn khó khăn. Do đó, DN mong muốn Chính phủ có giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các chính sách, cải cách, đơn giản các thủ tục để nhiều DN có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ. Chính phủ tiếp tục ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine cho người lao động để họ trở lại DN làm việc”.

Vấn đề được nhiều hiệp hội, DN quan tâm kiến nghị là xét nghiệm nhanh, phong tỏa y tế những khu vực xuất hiện ca F0, lưu thông hàng hóa, cắt giảm các chi phí để có dòng tiền tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các chuyên gia trở lại Việt Nam...

Ông Tetsu Funayama - Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam đề xuất: “Ba vấn đề chính mà các DN đang gặp vướng mắc cần sớm tháo gỡ là cần có đủ vaccine tiêm phòng COVID-19 cho tất cả người lao động trong DN và cộng đồng dân cư. Phương án “3 tại chỗ” chỉ phù hợp với những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao và không thể kéo dài, khi người lao động đã được tiêm phòng hãy cho họ đi về. Chính phủ, các tỉnh, thành thúc đẩy nhanh việc đơn giản các thủ tục thuế, hải quan để tạo thuận lợi cho DN trong xuất khẩu hàng hóa”.

Làn sóng dịch lần thứ tư khiến cho nhiều DN bị thiệt hại và TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó, chi phí xét nghiệm đang trở thành gánh nặng lớn cho DN. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh nêu rõ, xét nghiệm nhanh gây tốn kém lớn cho DN do chi phí quá cao từ 80-250 ngàn đồng/người/lần. Chính phủ cho phép DN được nhập khẩu các bộ test nhanh và tự xét nghiệm, đồng thời quản lý chặt về giá để tránh nhiều nơi nâng giá quá cao.

“Giá nhập khẩu các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 chỉ từ 1-1,5 USD/bộ. Việt Nam còn phải sử dụng nhiều xét nghiệm nhanh, Chính phủ nên nhập khẩu trực tiếp khoảng 100 triệu bộ giá sẽ còn 1 USD/bộ, như vậy sẽ tiết kiệm được cho ngân sách, DN, người dân khoảng 5 ngàn tỷ đồng” - ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh.

Thời điểm “vàng” để phục hồi sản xuất

Các hiệp hội, DN đều cho rằng đây là thời điểm “vàng” để khôi phục sản xuất. Vì vậy, các tỉnh, thành còn chần chừ chưa mở cửa sẽ bỏ mất cơ hội giúp DN phục hồi.

Ông Vũ Tiến Lộc - Nguyên Chủ tịch VCCI lưu ý: “Đây là thời điểm thích hợp để DN khôi phục sản xuất kinh doanh, nếu chậm mở cửa DN sẽ kiệt quệ. Mở cửa sớm một ngày sẽ cứu sống được nhiều DN và chậm một ngày sẽ có nhiều DN phá sản. Trong chính sách mở cửa, Chính phủ cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương và không cho phép các tỉnh, thành, bộ, ngành “đẻ ra” các giấy phép con gây khó cho DN”.

Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành vẫn còn xảy ra trường hợp khi xuất hiện ca F0 là phong tỏa cả một vùng rộng làm mọi hoạt động của cả một khu vực bị đình trệ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch mở cửa khôi phục hoạt động kinh tế.

Công ty Daikan Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) tổ chức phương án “3 tại chỗ” để sản xuất an toàn. Ảnh: Huy Anh
Công ty Daikan Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) tổ chức phương án “3 tại chỗ” để sản xuất an toàn. Ảnh: Huy Anh

 

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải góp ý: “Chính phủ nên cho phép DN chủ động và chịu trách nhiệm trong khôi phục sản xuất, phòng chống dịch. DN sẽ tự coi mình là một “pháo đài” trong phòng, chống dịch và duy trì sản xuất, tự phân loại lao động để bố trí công việc cho phù hợp, đã đến lúc phải sống chung với dịch để giữ sản xuất”.

Ông Dương cho biết thêm, CTCP Ô tô Trường Hải có nhà máy khoảng 14 ngàn lao động tại Campuchia. Dịch COVID-19 xuất hiện ở Campuchia trước Việt Nam và nhà máy của công ty tại nước này đã đón 1,4 ngàn lao động trong đó có một số ca F0, nhưng DN đã chủ động cách ly điều trị khỏi cho các ca bệnh và vẫn duy trì được sản xuất ổn định. Vì thế, giao quyền chủ động cho DN sẽ thuận lợi hơn trong khôi phục lại sản xuất và phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội DN TP. Hồ Chí Minh, trong 8 tháng của năm 2021, TP. Hồ Chí Minh có hơn 24 ngàn DN rút lui khỏi thị trường, thực tế có thể còn lớn hơn. Khoảng 30% DN còn duy trì được sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội và 3,2 triệu người lao động đã nghỉ việc, trong số đó nhiều người đã trở về quê ở các tỉnh, thành khác. Hiện DN TP. Hồ Chí Minh muốn khôi phục sản xuất sẽ gặp khó khăn do thiếu lao động.

Đại diện các hiệp hội DN đều đề xuất Chính phủ không bắt buộc DN, người dân phải xét nghiệm nhanh vừa tốn kém, hiệu quả lại không cao. Xét nghiệm nhanh chỉ thực hiện với các trường hợp nghi nhiễm bệnh, khi xuất hiện ca F0 chỉ phong tỏa diện hẹp để DN tiếp tục hoạt động sản xuất.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất và chỉ đạo các địa phương khi xuất hiện ca nhiễm bệnh chỉ phong tỏa khu vực hẹp, tránh làm đình trệ hoạt động kinh tế của cả một vùng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại tất cả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho DN, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.

Chính phủ tiếp tục lắng nghe các ý kiến của DN, kịp thời bổ sung các chính sách giúp DN thuận lợi hơn trong hoạt động. Về phía các DN có thể tham gia đóng góp cho việc xây dựng các thể chế, cải cách thủ tục hành chính...

Đồng Nai kiến nghị các chính sách trợ lực cấp kỳ cho DN

Trong đợt dịch lần thứ tư, Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên cả nước. Tính đến nay, Đồng Nai có hơn 45,7 ngàn ca dương tính với SARS-CoV-2. Để duy trì sản xuất, hơn 1,2 ngàn DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” nhưng số lao động tham gia làm việc chỉ hơn 20%.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: HG
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: HG

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, từ ngày 15/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 11102/KH-UBND về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Trong đó, bao gồm các nội dung hướng dẫn DN trong và ngoài khu công nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất. Đối với các DN không thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” trước đây nhưng hiện tại có nhu cầu hoạt động trở lại có thể chọn một trong 2 phương án trên để đăng ký hoặc cho người lao động đi về hằng ngày nhưng phải đảm bảo các quy định của tỉnh.

Ông Lê Bạch Long - Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H. Long Thành) cho biết: “Sau một thời gian thực hiện phương án “3 tại chỗ”, DN và người lao động gặp nhiều khó khăn. Hiện công ty, người lao động chỉ mong sớm đáp ứng đủ các quy định của tỉnh để có thể cho người lao động đi về hằng ngày”.

Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Chính phủ 5 vấn đề để khôi phục lại hoạt động cho DN trên địa bàn để có nguồn thu bù đắp chi phí, đồng thời giải quyết an sinh cho người lao động. Trong đó, tỉnh đề xuất cấp bổ sung vaccine trong thời gian sớm nhất để tiêm cho người lao động đang làm việc trong DN. Các bộ, ngành trung ương cần triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ DN theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ.

Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 để các địa phương thống nhất triển khai. DN cũng kiến nghị giảm chi phí điện, nước, tiền thuê đất, phí sử dụng hạ tầng...

Ngoài ra, một số DN tại Đồng Nai kiến nghị Chính phủ đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là các dự án liên quan đến hạ tầng các khu công nghiệp.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, Chính phủ đã chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Đồng thời, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để các địa phương, DN thực hiện chủ trương trên. Tuy nhiên, do chính sách có phạm vi rộng lớn, song lại khoanh hẹp đến tận phường, xã, thị trấn, ấp, bản, khu phố nên phải thận trọng, chắc chắn, vừa làm vừa bổ sung, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần.

Trong phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh, khi có dịch, các địa phương chỉ phong tỏa hẹp để ít ảnh hưởng đến các DN và tình hình phát triển kinh tế của khu vực. Trong công tác phòng, chống dịch tiếp tục dựa trên 4 trụ cột là cách ly, xét nghiệm, điều trị và ý thức của người dân. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai chính sách phải thống nhất từ trên xuống dưới và khi thực hiện thì linh hoạt, căn cứ tình hình thực tế và có kiểm soát. Chính phủ và các địa phương luôn xem DN là trung tâm, chủ thể nên Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần DN hơn và để DN đến với chính quyền nhanh hơn.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các DN tiếp tục đóng góp ý kiến về thể chế để cùng Chính phủ hoàn thiện các thể chế tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, DN chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần tái cấu trúc DN hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện nay, Việt Nam có 100 triệu dân nhưng đa số các loại máy móc, thuốc, thiết bị y tế vẫn phải nhập khẩu, do đó DN tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp dược để Việt Nam đủ năng lực ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” có sự tham gia ý kiến của DN.