Trì hoãn thuế quan không phải là giải pháp

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) vừa tuyên bố việc áp thuế quan 10% đối với các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game video, một số đồ chơi, màn hình máy tính và một số mặt hàng giày dép và quần áo… sẽ lui lại tới ngày 15/12.

Các nhà kinh tế cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ có thể phá vỡ chuỗi cung ứng. Nguồn: internet
Các nhà kinh tế cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ có thể phá vỡ chuỗi cung ứng. Nguồn: internet

Sự nhượng bộ này của Mỹ được cho là để tránh sự gián đoạn nguồn cung hoặc tăng giá đối với người tiêu dùng Mỹ trong 4 tháng cuối năm - quãng thời gian cao điểm cho các hoạt động mua sắm, từ mua các đồ dùng học tập cho mùa tựu trường cho đến các hàng hóa phục vụ Giáng sinh, Tết.

Thông báo được đưa ra như một phát ngôn chính thức đầu tiên từ cả hai phía kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang. Tổng thống Donald Trump cho biết, chính quyền của ông đã có các cuộc đàm phán rất hiệu quả với Trung Quốc và Bắc Kinh muốn làm một điều gì đó về thương mại. “Họ thực sự muốn thực hiện một thỏa thuận”, ông Trump cho biết hôm thứ Ba tuần trước (13/8). Vì vậy, việc trì hoãn áp thuế “không hoàn toàn chỉ vì mùa mua sắm Giáng sinh”, ông Trump nói thêm.

Trang web của Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa tin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vào thứ Ba tuần trước. Hai bên cũng lên kế hoạch tiếp tục điện đàm sau hai tuần nữa.

Tuy nhiên một loạt hàng hóa tiêu dùng khác, từ giày dép, quần áo đến đồ thể thao, vẫn sẽ phải chịu mức thuế quan 10% kể từ ngày 1/9 tới. Hiện Mỹ đã áp thuế 25% lên khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Động thái trì hoãn thuế quan đối với một số hàng hóa tiêu dùng được đưa ra ngay sau khi Trump nhấn mạnh một lần nữa rằng các mức thuế quan của ông không đẩy giá cả tăng cao hơn với người tiêu dùng Mỹ và Trung Quốc đang phải hứng chịu những chi phí này. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và doanh nghiệp không đồng tình với ý kiến này.

Các nhà kinh tế cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ có thể phá vỡ chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí và tiềm ẩn rủi ro không chắc chắn đối với các doanh nghiệp Mỹ từ đó khiến họ trì hoãn kế hoạch đầu tư và tuyển dụng.

Thậm chí Rick Helfenbein - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ đã gọi các mức thuế quan đó là một “kế hoạch phá hoại”. “Những mức thuế này, bao gồm cả những mức thuế được triển khai trước đó, sẽ được trả bởi các công ty của Mỹ. Chúng tạo thêm chi phí và sự không chắc chắn, buộc các công ty phải trì hoãn hoặc bỏ qua các quyết định tuyển dụng và đầu tư và cuối cùng đánh vào người tiêu dùng Mỹ”, ông nói.

“Tái cân bằng hợp tác thương mại của chúng ta với Trung Quốc là vô cùng quan trọng, nhưng việc đánh thuế lên các công ty Mỹ, người tiêu dùng Mỹ và nền kinh tế Mỹ không phải là cách để đạt được mục tiêu đó”, Rick Helfenbein cho biết.

David French - Phát ngôn viên của Liên đoàn bán lẻ quốc gia cũng cho biết, tổ chức này hoan nghênh việc trì hoãn áp thuế đối với một số mặt hàng tiêu dùng, nhưng vẫn tỏ ý thận trọng: “Những gì chúng tôi thực sự cần là một chiến lược hiệu quả để giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc bằng cách làm việc với các đồng minh của chúng tôi thay vì sử dụng thuế quan đơn phương làm mất việc làm của người Mỹ và làm tổn thương người tiêu dùng”.

Còn nhớ cuối tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,2% trong năm 2019 và 3,5% trong năm 2020, đều giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4 mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi Goldman Sachs cũng cảnh báo nỗi lo ngại ngày càng gia tăng rằng cuộc chiến thương mại sẽ gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.