Trí khôn nhân tạo: từ phim ảnh bước ra đời thực
Trong rất nhiều trường hợp, vai trò đi tiên phong của điện ảnh tạo nên niềm cảm hứng cho giới công nghệ. Trí khôn nhân tạo, đề tài hiện đang được chú ý quan tâm, là một trong số đó.
Từ hàng chục năm trước, trí thông minh nhân tạo là những đề tài phim ảnh ăn khách mang đến lượng người xem kỷ lục. Trong đó nổi tiếng nhất là bộ phim A.I. Artificial Intelligent của đạo diễn lừng danh Stephen Spielberg ra đời năm 2001. Trong bộ phim này, Spielberg mô tả sống động về một người máy biết yêu và có thể chết vì tình yêu. Ngoài ra, có thể kể ra hàng loạt các bộ phim khác từng đề cập tới trí thông minh nhân tạo ra đời còn sớm nữa như A Space Odyssey – Du hành không gian (ra đời năm 1968), Star Wars – Chiến tranh giữa các vì sao (1977), The Terminator – Kẻ hủy diệt (1984) và còn nhiều phim nữa.
Khơi nguồn sáng tạo
Sức sống của những đề tài trí khôn nhân tạo rất mãnh liệt trong lịch sử điện ảnh. Các nhân vật có trí khôn nhân tạo thường được dành cho một không gian riêng để phát huy tài năng cùng những suy nghĩ và cảm xúc, điển hình như các con robot R2-D2 và C-3PO nổi tiếng trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao. Những ý tưởng về trí khôn nhân tạo mới mẻ và sống động thu hút người xem mạnh hơn cả. Lý do là mỗi một trí khôn nhân tạo được khắc họa trong một bộ phim mang một phong cách sáng tạo riêng biệt và không gì thu hút con người bằng những phát minh mới.
Mỗi một đề tài điện ảnh cũng là một câu chuyện công nghệ. Niềm cảm hứng từ điện ảnh đã giúp cho giới công nghệ hình dung rõ ràng hơn về cách thức xây dựng và sử dụng trí khôn nhân tạo. Ví dụ, câu chuyện của người pha rượu robot Arthur trong phim Passengers (năm 2016) suy nghĩ và hành động như một con người thông tuệ với tấm lòng chân thành đã gây ấn tượng mạnh về một hình mẫu trí tuệ nhân tạo hoàn hảo. Nay những hình mẫu như robot pha rượu Arthur không còn là của điện ảnh mà đã là của cuộc sống thực với các người máy phục vụ khách hàng trong các quán ăn hay khách sạn.
Không những thế, những mối lo ngại và nguy cơ mà trí khôn nhân tạo có thể đem tới cũng không còn là chuyện của phim ảnh giả tưởng. Ví dụ, câu chuyện trong bộ phim Transcendence (năm 2014) vẽ nên viễn cảnh khi người máy trở nên quá giống người và làm nảy sinh làn sóng phản đối trí khôn nhân tạo. Những cảm xúc vừa lo sợ vừa phẫn nộ đó cũng xuất hiện trong đời thật khi nhiều người máy bắt đầu xuất hiện và chiếm lấy việc làm của những công nhân.
Sự cộng hưởng giữa đời thật và phim ảnh
Càng ngày người ta càng nhận ra điện ảnh đang nhích lại gần hơn với thế giới công nghệ, nơi mà những phát minh sáng kiến nhắm tới việc phục vụ con người chứ không phải là những “kẻ hủy diệt” nhân loại như trong các bộ phim Kẻ hủy diệt (1984) hay Kẻ hủy diệt 2: Ngày phán xử (1991).
Trí khôn nhân tạo bây giờ không còn là những con quái vật máy tính làm người ta khiếp sợ như nhân vật phản diện Sark trong bộ phim Tron (1982), trái lại là những phát minh thân thiện như các nữ trợ lý ảo trên các thiết bị di động. Thế giới trong phim I, Robot không còn là của riêng điện ảnh khi cái lò nướng thông minh trong phim đã được hiện thực hóa bằng những lò nướng thông minh ngoài đời. Thậm chí những đồ vật thông minh như vậy nay còn được điều khiển bởi một trợ lý ảo như Alexa hay Google Assistant. Đó đều là những trí khôn nhân tạo thực sự.
Từ những bước đi tiên phong, nay điện ảnh đang có chiều hướng thực hiện những bước đi song song với thành tựu công nghệ và điều này sẽ tạo nên sự cộng hưởng giữa đời thật và phim ảnh. Một loạt những công nghê như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) làm xóa mờ ranh giới giữa điện ảnh và công nghệ. Cùng lúc đó, sự liên kết trí khôn nhân tạo với trí khôn con người cũng đang là một đề tài nghiên cứu mới. Một ví dụ là việc các nhà công nghệ hiện nay đang nhắm đến hình thành thứ giao tiếp thông qua liên kết trực não bộ người và máy tính không cần đến giao diện màn hình.