Triển khai chữ ký số trong hải quan điện tử: Lợi ích thiết thực

PV.

(Tài chính) Tại Nghị định 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) quy định cụ thể về việc sử dụng chữ ký số (CKS) trong thực hiện TTHQĐT. Việc áp dụng CKS trong hoạt động TTHQĐT, được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao cho cơ quan Hải quan cũng như doanh nghiệp (DN).

Triển khai chữ ký số trong hải quan điện tử: Lợi ích thiết thực
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo ông Trần Quốc Định- Phó trưởng Ban cải cách hiện đại hoá Hải quan, Tổng cục Hải quan, việc triển khai CKS thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả cơ quan Hải quan và DN. Việc ứng dụng CKS cho phép cơ quan Hải quan áp dụng việc tự động hoá đối với bước trong quy trình thủ tục hải quan, qua đó rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá cho DN. Tổng cục Hải quan đang triển khai các công tác chuẩn bị để mở rộng thủ tục hải quan điện tử tại các cục Hải quan còn lại.

Lộ trình áp dụng CKS:

Khi thực hiện TTHQĐT, người khai hải quan phải sử dụng CKS đã đăng ký với cơ quan Hải quan.

Trong giai đoạn chưa có CKS, được sử dụng tài khoản truy nhập Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện TTHQĐT.

Người khai hải quan có trách nhiệm bảo mật tài khoản để sử dụng khi giao dịch với cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và chịu trách nhiệm về các giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Công nghệ Thông tin- Thống kê Hải quan, CKS giúp đảm bảo tính xác thực của các thông tin khai báo, tăng cường độ tin cậy, đảm bảo người khai không chối bỏ được các dữ liệu đã khai báo và gắn CKS. Trên cơ sở các điều kiện đó, cơ quan Hải quan sẽ chấp nhận các dữ liệu khai báo bằng dữ liệu điện tử mà không yêu cầu phải nộp các hồ sơ giấy. Hồ sơ giấy chỉ phải nộp trong trường hợp cơ quan Hải quan cần kiểm tra chi tiết các thông tin về lô hàng hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa. Điều này sẽ, giải phóng năng lực quản lý cho cơ quan Hải quan; giảm thiểu các hồ sơ, chứng từ giấy DN phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan Hải quan.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến đầu tháng 11/2012, cả nước có 980 DN sử dụng CKS trong hoạt động xuất nhập khẩu, đã áp dụng tại 82 điểm làm thủ tục hải quan của 18/21 cục Hải quan tỉnh thành phố thực hiện TTHQĐ.

Tuy nhiên, để áp dụng thành công và hiệu quả TTHQĐT, trong đó CKS là khẩu quyết định, cần có những điều kiện nhất định từ phía Hải quan và DN. Một trong những điều kiện đó là đảm bảo hạ tầng mạng để đáp ứng yêu cầu truyền tải thông tin. 

Theo đó, ngành Hải quan đã thiết lập hạ tầng viễn thông tài chính trên cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia với đường kết nối tới hầu hết tất cả các đơn vị trong ngành với đường truyền tốc độ cao; đồng thời duy trì các đường kết nối dự phòng, đảm bảo sự sẵn sàng tối đa. Cơ quan Hải quan thường xuyên kiểm tra giám sát, kịp thời khắc phục sự cố ở những khu vực có số lượng giao dịch lớn. Tuy nhiên do hạ tầng viễn thông quốc gia vẫn còn non trẻ, phát triển rất nhanh, không tránh được trục trặc trong quá trình vận hành.

Về phía DN cũng cần có sự đầu tư cho hệ thống mạng, nhằm đảm bảo sự kết nối với cơ quan Hải quan thường xuyên, không bị, gián đoạn. DN cần nghiên cứu kỹ về quy định áp dụng CKS trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 87/2012/NĐ-CP về TTHQĐT (sắp được ban hành). DN cần trang bị CKS của nhà cung cấp dịch vụ được nhà nước cấp phép.