Triển khai VNACCS/VCIS và yêu cầu chuẩn hóa chính sách mặt hàng

Theo customs.gov.vn

(Tài chính) Theo dự kiến, tháng 4/2014, Tổng cục Hải quan sẽ đưa vào vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Yêu cầu đặt ra cần phải xây dựng được hệ thống có khả năng xác định chính sách quản lý mặt hàng và hàng kiểm tra chuyên ngành với độ chính xác cao. Mới đây, Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan đã cung cấp những thông tin về công tác triển khai việc mã hóa chính sách mặt hàng trên hệ thống VNACCS/VCIS.

Triển khai VNACCS/VCIS và yêu cầu chuẩn hóa chính sách mặt hàng
CBCC Hải quan Bình Dương tiếp nhận hồ sơ khai báo của khách hàng. Nguồn: internet

Chính sách mặt hàng tồn tại bất cập

Đánh giá về thực trạng việc quản lý chính sách mặt hàng xuất nhập khẩu trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, hiện nay, hàng hóa thuộc Danh mục quản lý chuyên ngành đang được thiết lập tiêu chí luồng Đỏ (đối với hàng cấm xuất nhập khẩu) và luồng Vàng (đối với hàng hóa yêu cầu kiểm tra điều kiện như cấp phép xuất nhập khẩu, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng). Việc đưa 65.000 dòng hàng đã được rà soát, chuẩn hóa vào hệ thống phân luồng qua công tác quản lý rủi ro dẫn đến tăng tỷ lệ kiểm tra ở luồng Vàng, Đỏ trong khi hiệu quả phát hiện vi phạm trong các lô hàng NK thuộc diện quản lý chuyên ngành còn rất hạn chế do tồn tại nhiều bất cập.

Cụ thể, hàng hóa quản lý chuyên ngành hiện được lưu và nhận dạng để phân luồng thông qua tên hàng và mã HS. Tuy nhiên, nhiều danh mục quy định chỉ cấm NK mặt hàng cũ mà danh mục được chuẩn hóa theo tên hàng và mã HS, không có tiêu chí phân biệt cũ - mới, nên hệ thống không thể bóc tách được tiêu chí này.

Bên cạnh đó, theo quy định, một số mặt hàng mới thuộc diện cấm NK, trừ trường hợp sử dụng cho mục đích khác (sửa chữa, bảo hành, làm mới…) thì được phép NK khi có ý kiến xác nhận của bộ quản lý chuyên ngành. Với trường hợp này, hệ thống cũng không phân biệt được do chưa có tiêu chí phân biệt giữa hàng hóa thuộc danh mục cấm NK nhằm mục đích kinh doanh với các hàng hóa phục vụ cho mục đích đặc biệt khác.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, quy định hiện nay, thông tin khai báo hàng hóa XK, NK không quy định cụ thể về trách nhiệm phải khai đầy đủ thông tin quản lý chính sách mặt hàng XK, NK, do đó hệ thống khó có thể tự động xác định chính sách quản lý đối với mặt hàng xuất nhập khẩu cụ thể, theo đúng quy định.

Chính vì vậy, việc mã hóa chính sách và văn bản điều chỉnh với hàng hóa xuất nhập khẩu là yêu cầu quan trọng khi xây dựng hệ thống thông quan điện tử. Cũng trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng về quản lý chính sách mặt hàng và cách tiếp cận quản lý của hệ thống VNACCS/VCIS, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã tiến hành mã hóa các văn bản pháp quy của Chính phủ, các bộ, ngành có điều chỉnh về chính sách mặt hàng. Đến thời điểm hiện tại, đã thống kê được tổng số 127 văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cần phải mã hóa.

Mã hóa giúp minh bạch hóa quy định pháp luật

Theo Danh mục, Biểu thuế đã được mã hóa chính sách quản lý, cơ quan Hải quan và DN có thể tra cứu được các chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu với từng mặt hàng cụ thể. Nói cách khác, đối với từng mã HS (ở cấp độ 8 chữ số), nếu thuộc danh mục quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành, có thể tra cứu được các chính sách xuất nhập khẩu áp dụng với hàng hóa, đồng thời tra cứu được mã văn bản cụ thể quy định về chính sách với hàng hóa đó để khai báo vào hệ thống VNACCS/VCIS. Ví dụ như với mặt hàng “các loại ô và dù (kể cả ô có cán là ba toong, dù che trong vườn và các loại ô, dù tương tự)” có mã HS 6601.10.00, tra cứu như sau:

Tại cột mã chính sách: Hiển thị mặt hàng này thuộc các mã chính sách 1B (nghĩa là hàng cũ cấm NK) và mã chính sách 5B (hàng tạm ngừng TNTX, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan).

Tại cột mã văn bản: Hiển thị mặt hàng này thuộc mã văn bản AA - Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 6-4-2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) trong đó có danh mục hàng tiêu dùng cấm NK; mã văn bản AD - Thông tư số 05/2013/TT-BCT ngày 18-2-2013 của Bộ Công Thương trong đó có danh mục hàng tạm ngừng TNTX, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.

Với vai trò là đơn vị chủ trì triển khai việc mã hóa chính sách mặt hàng trên hệ thống VNACCS/VCIS, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, mã hóa chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ giúp minh bạch hóa quy định pháp luật. Đối với DN, họ sẽ xác định được chính sách áp dụng, văn bản điều chỉnh đối với mặt hàng xuất nhập khẩu. Còn cơ quan Hải quan thì có cơ sở để đối chiếu, kiểm tra lại việc khai báo cũng như xem việc áp dụng chính sách của DN đã đầy đủ và chính xác chưa. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để hệ thống VNACCS/VCIS xác định được một mặt hàng có mã HS thuộc Danh mục quản lý chuyên ngành nào để nếu DN không khai thông tin giấy phép thì hệ thống sẽ tự động chuyển luồng hoặc chỉ dẫn kiểm tra giấy phép. Việc mã hóa chính sách mặt hàng cũng sẽ hỗ trợ hiệu quả việc kiểm tra, phân luồng hàng hóa trong quá trình triển khai VNACCS/VCIS và thủ tục hải quan điện tử.

Tuy nhiên, để việc mã hóa các chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu và văn bản pháp quy theo mã HS trở thành “cẩm nang tra cứu” hữu ích, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng khi được triển khai hệ thống cần phải được cập nhật liên tục, nhất là trong điều kiện văn bản điều chỉnh của bộ, ngành thường xuyên thay đổi như hiện nay. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về mã hóa chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu và mã hóa văn bản pháp quy phục vụ triển khai VNACCS/VCIS. Sau đó, sẽ công bố Danh mục, Biểu thuế đã được mã hóa chính sách quản lý và văn bản để thuận tiện cho DN và cơ quan Hải quan khi tra cứu, triển khai thực hiện.