Triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ
Theo The Wall Street Journal, tình trạng lạm phát tại Mỹ đã trở lại mức trước đại dịch mà không gây ra một cuộc suy thoái, hoặc làm suy yếu nền kinh tế quá nhiều. Đây là điều mà các nhà kinh tế học đã từng cho là điều không thể, và giờ đây nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng về một cú “hạ cánh mềm”.
Tiến gần đến mục tiêu 2%
Sau đại dịch COVID-19, đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ đã đẩy lạm phát ở Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 40 năm, đạt đỉnh 9,1% vào hồi tháng 6/2022. Do đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lên trong khoảng 5,25 - 5,5%, cao nhất trong vòng 22 năm qua. Mục tiêu của Fed hiện nay là đưa lạm phát trở lại mức 2%, dựa trên thước đo mà họ tin dùng là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).
Trong một cuộc khảo sát của The Wall Street Journal vào hồi tháng 5, hầu hết các nhà kinh tế học đều lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Song lạm phát lõi, tức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) loại trừ các mặt hàng dễ biến động về giá là thực phẩm và năng lượng, cũng đã dịu lại. Lạm phát lõi trong 5 tháng gần đây (từ tháng 6 đến tháng 10) đã tăng 2,8% theo năm, giảm so với mức 5,1% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, giá năng lượng giảm 2,5%, giá thực phẩm lại tăng 0,3%. Chi phí nhà ở vốn chiếm 1/3 tỷ trọng rổ CPI, chỉ tăng 0,3% trong tháng 10, bằng một nửa mức tăng của tháng trước. Đó là những nhân tố khiến lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt. Nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại ngân hàng Goldman Sachs David Mericle cho biết, hiện phần khó khăn nhất của cuộc chiến chống lạm phát đã tạm thời được giải quyết.
Sự sụt giảm lạm phát mạnh mẽ xảy ra trong thời điểm các chủ doanh nghiệp đang tiếp tục tuyển dụng, và chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy đà tăng trưởng kinh tế sẽ suy giảm. Trong tháng 9, Fed kỳ vọng lạm phát cơ bản tính theo PCE sẽ kết thúc năm ở mức 3,7%. Trong khi đó, theo Chủ tịch hãng nghiên cứu Inflation Insights ông Omair Sharif, hiện tại dường như mức dự báo này có thể giảm xuống còn 3,4%.
Nhà kinh tế học đến từ hãng Indeed Nick Bunker nhận định, mặc dù đây được xem là những tín hiệu tốt nhưng để đạt được một cú “hạ cánh mềm” là điều chưa chắc chắn. Lạm phát vẫn còn cách mục tiêu 2% một khoảng khá xa. Các chuyên gia nhận định rằng, nền kinh tế Mỹ có thể chưa suy giảm là do tác động của lãi suất cao vẫn chưa thực sự được hấp thụ. Bất kỳ một yếu tố bên ngoài nào như giá năng lượng hay một cuộc khủng hoảng tài chính cũng có thể gây tác động tiêu cực.
Đặc biệt, người tiêu dùng Mỹ (những người đang giúp nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng nhanh) có thể sẽ mất động lực. Doanh số bán lẻ trong tháng 10 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3. Theo đó các hãng bán lẻ lớn như Home Depot và Target báo cáo doanh số suy giảm do khách hàng có xu hướng tiết kiệm hơn. Đà tăng lương chậm lại đã thúc đẩy xu hướng giảm lạm phát, theo thời gian, mức lương cao hơn có thể khiến cho giá cả hàng hóa cao hơn. Tuy nhiên thu nhập trung bình theo giờ trong tháng 10 chỉ tăng 4,1% theo năm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021, khi các công ty giảm bớt sự cạnh tranh trong hoạt động tuyển dụng lao động.
Theo nhà kinh tế trưởng đến từ RSM Joseph Brusuelas, nếu tìm kiếm dấu hiệu của một cú hạ cánh mềm, thì CPI giảm chính là dấu hiệu không thể nhầm lẫn cho thấy nền kinh tế Mỹ bền bỉ hơn nhiều so với mọi dự đoán từ trước năm 2023, nhưng cho đến khi lạm phát trở lại mức 2%, Fed sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức.
Vẫn còn nguy cơ một cuộc suy thoái mới
Trong quý III, mỗi tháng các doanh nghiệp ở Mỹ tạo thêm trung bình 204.000 việc làm, giảm so với giai đoạn sau đại dịch nhưng vẫn cao hơn con số trung bình 163.000 của cả năm 2019. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 3,9% nhưng vẫn được cho là ở mức thấp. Một câu hỏi lớn được đặt ra: liệu người tiêu dùng hiện đang thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ có thể duy trì được hoạt động chi tiêu hay không?
Theo đó, chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng hàng năm ở mức 4% trong quý III, nhưng sự tăng trưởng này bắt nguồn từ các khoản tiết kiệm đã được tích lũy nhờ các chương trình kích thích của chính phủ trong giai đoạn đại dịch. Và trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ tiết kiệm đã giảm từ mức 5,3% xuống 3,4% trong tháng 9. Do đó, thực trạng về khả năng chi tiêu của người dân Mỹ sẽ được thể hiện rõ nhất vào mùa nghỉ lễ năm nay.
Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia dự báo rằng, chi tiêu trong giai đoạn tháng 11 - 12 năm nay sẽ tăng trong khoảng 3 - 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với mức tăng 5,4% năm 2022 và 12,7% trong năm 2021. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng tại các cửa hàng, nhà hàng và trực tuyến đã giảm 0,1% trong tháng 10, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 3. Hơn nữa, doanh số bán ô tô và đồ nội thất cũng đã giảm mạnh là dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình nước này đang giảm bớt các khoản chi tiêu lớn.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nửa điểm phần trăm kể từ tháng 4, đây được xem là tín hiệu cảnh báo sớm vì mức tăng như vậy thường xuất hiện ngay trước một cuộc suy thoái. Số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang tăng ở mức thấp trong lịch sử, nhưng số lượng người nhận trợ cấp thất nghiệp đã tăng trong 7 tuần liên tiếp, lên gần 1,6 triệu người trong tuần kết thúc vào hôm 21/10, mức cao nhất kể từ tháng 4. Điều này cho thấy người lao động ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc tìm công việc mới.
Chi phí lãi vay cao hơn sẽ khiến cho doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn để trả nợ. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tạm hoãn kế hoạch mở rộng. Tài chính hộ gia đình cũng trở nên khó khăn hơn. Tỷ lệ người vay thẻ tín dụng mới quá hạn đã tăng lên 2% trong quý III năm nay, cao hơn so với trước đại dịch. Trong một môi trường mong manh như vậy, giá năng lượng tăng mạnh hoặc một đợt phá sản của các doanh nghiệp, ngân hàng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái trong năm tới.
Liệu Fed có chấm dứt lộ trình tăng lãi suất?
Hiện nay tình trạng lạm phát đã có dấu hiệu giảm tốc, nhưng nhiều người Mỹ vẫn không an tâm vì mọi thứ đang tăng giá một cách bất thường từ ô tô, hàng tạp hóa đến nhà ở. Trong báo cáo lạm phát tháng 10, CPI lõi đã tăng trong 5 tháng liên tục, với mức tăng chậm hơn so với hai năm trước, đây là những điều kiện mà giới chức Fed tin rằng đủ sức thuyết phục để không cần tăng lãi suất.
Trong năm nay, Fed đã nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 22 năm để kiềm chế lạm phát thông qua việc hạ nhiệt hoạt động kinh tế. Fed đã giảm cường độ tăng lãi suất vào cuối năm ngoái và nâng lãi suất cơ bản ở cấp độ trung tính hơn trong suốt 7 tháng gần đây, với mức tăng khiêm tốn là 0,25 điểm phần trăm mỗi đợt. Kể từ đó, trong hai phiên họp tháng 9 và tháng 11 Fed đều quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất này trong cuộc họp từ ngày 12 - 13/12 tới. Nếu Fed giữ lãi suất ổn định vào tháng tới, thời gian tạm dừng tăng lãi suất sẽ được kéo dài lên khoảng 6 tháng. Bước “đóng băng” lãi suất này diễn ra sẽ tạo ra luồng quan điểm lạc quan về việc Fed sẽ đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù đây được xem là tín hiệu tốt, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Fed không vội vã tuyên bố chiến thắng lạm phát. Một số quan chức cũng tỏ ra thận trọng, vì ngay cả khi đã giảm nhiệt thì lạm phát vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2%.
Giới phân tích cho biết, dữ liệu mới nhất cũng làm giảm khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất vào đầu năm 2024. Trong cuộc họp sắp tới, thay vì tập trung vào việc có nên tăng lãi suất hay không, Fed có thể ưu tiên việc có nên sửa đổi định hướng chính sách trong tuyên bố sau cuộc họp hay không. Và nếu có thì việc sửa đổi cần thực hiện ra sao để phản ánh những bước tiến gần đây về lạm phát, cũng như triển vọng về việc có thêm đợt tăng lãi suất.
Cuối cùng, liệu Fed có thể duy trì mức giảm lạm phát này hay không sẽ còn phụ thuộc vào cách thức nền kinh tế Mỹ thích ứng trước loạt tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ trong quá khứ. Và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi kinh tế trong năm nay.