Kinh tế Mỹ diễn biến ra sao từ sau cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng?
Các ngân hàng tại nhiều khu vực của nước Mỹ siết chặt các điều kiện cho vay, họ thể hiện quan điểm lo lắng về tình hình thanh khoản cũng như kỳ vọng vào khả năng bất ổn dâng cao.
Các ngân hàng tại nhiều khu vực của nước Mỹ siết chặt các điều kiện cho vay, họ thể hiện quan điểm lo lắng về tình hình thanh khoản cũng như kỳ vọng vào khả năng bất ổn dâng cao.
Người tiêu dùng và doanh nghiệp vay tiền ít hơn khi mà tăng trưởng kinh tế nói chung đi ngang trong những tuần sau khi nước Mỹ chứng kiến 2 vụ sụp đổ ngân hàng gây ra nhiều xáo trộn tài chính, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố trong báo cáo vào ngày thứ Tư được Wall Street Journal trích đăng.
Cụ thể, các ngân hàng tại nhiều khu vực của nước Mỹ siết chặt các điều kiện cho vay, họ thể hiện quan điểm lo lắng về tình hình thanh khoản cũng như kỳ vọng vào khả năng bất ổn dâng cao sau vụ việc của ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank, theo thông tin được các ngân hàng khu vực của Fed cho hay.
9/12 ngân hàng khu vực thuộc Fed công bố hoạt động kinh tế không thay đổi quá mạnh trong khoảng thời gian 6 tuần kết thúc vào ngày 10/4/2023.
Vào tháng trước, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed nói rằng mức độ thu hẹp tín dụng sau vụ sụp đổ của loạt ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến việc liệu các quan chức ngân hàng trung ương có tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát hay không. Tháng vừa qua, Fed nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên ngưỡng từ 4,75% - 5%, ngưỡng cao nhất tính từ tháng 9/2007.
Một số quan chức ngân hàng trung ương chia sẻ tình hình của ngành ngân hàng khiến họ phải đánh giá lại chính sách của mình. Chủ tịch Fed tại Chicago, ông Austan Goolsbee, vào tuần trước nói Fed cần phải thận trọng về việc tiếp tục nâng lãi suất nếu các số liệu kinh tế không ủng hộ cho động thái này.
“Ở thời điểm căng thẳng tài chính, cách tiếp cận tiền tệ phù hợp cần đến sự thận trọng và kiên nhẫn. Chúng ta cần thu thập thêm dữ liệu và cẩn trọng với việc nâng lãi suất quá mạnh tay cho đến khi chúng ta chứng kiến việc giảm lạm phát hiện đang đương đầu với nhiều thách thức đến như thế nào”, ông Goolsbee phân tích.
Nhiều quan chức khác thuộc Fed trong đó có thống đốc Fed Christopher Waller đã đưa ra tuyên bố khác biệt, ông khẳng định lãi suất cao chưa khiến cho các điều kiện tín dụng xấu đi đáng kể, tăng trưởng kinh tế cao vẫn đang gây áp lực lên giá cả.
“Tôi cho rằng có dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy giảm, tuy nhiên cho đến khi nó xuất hiện thật rõ nét và lạm phát dịch chuyển về ngưỡng mục tiêu 2%, tôi tin sẽ vẫn có việc để làm”, ông Waller nói trong ngày thứ Sáu.
Các quan chức thuộc Fed sẽ phải cân nhắc đến các báo cáo kinh tế mới dược công bố khi tính toán về hướng điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp chính sách lần tiếp theo vào ngày 2-3/5/2023.
Theo nguồn tin từ các ngân hàng, hoạt động tín dụng thay đổi đáng kể sau vụ sụp đổ của các ngân hàng vào tháng 3/2023, theo Fed công bố. Các ngân hàng yêu cầu nhiều giấy tờ hơn từ khách hàng và nâng tiêu chuẩn cho vay, kết quả tín dụng tiêu dùng và tín dụng công nghiệp đồng loạt giảm tại nhiều khu vực.
Một số ngân hàng tập trung vào cấp thêm tín dụng cho các khách hàng hiện có và trở nên vô cùng thận trọng với việc cho khách hàng mới vay tiền.
Các ngân hàng đang đương đầu với tình trạng thắt chặt thanh khoản, dù rằng tỷ lệ vỡ nợ trong cả vay thương mại và tiêu dùng đều ở mức thấp.
“Tiền gửi lõi vẫn tiếp tục giảm, đó là tình huống mà các chuyên gia ngân hàng cho rằng có sự cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng và có dòng tiền dịch chuyển sang các lựa chọn thay thế lợi suất cao”, Fed tại Cleveland khẳng định.