Triển vọng tích cực của nền kinh tế Mỹ


Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định nền kinh tế số một thế giới đang chuyển từ phục hồi nhanh sang tăng trưởng ổn định, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức tiềm tàng. Các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã và đang thúc đẩy sự bùng nổ đầu tư của khu vực tư nhân, đồng thời là động lực giúp việc làm ở Xứ cờ hoa tăng trưởng kỷ lục.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen.

Ðạo luật Giảm lạm phát (IRA) tập trung vào khí hậu được đánh giá là hành động táo bạo nhất của Chính phủ Mỹ trong việc khởi động sự phục hưng kinh tế trong các cộng đồng từng bị bỏ lại phía sau.

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, nước Mỹ có thêm hơn 13 triệu việc làm với tỷ lệ người lao động ở độ tuổi trưởng thành (25-45 tuổi) đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm. Trong đó, tỷ lệ lao động nữ trong độ tuổi trưởng thành có việc làm đang ở mức cao nhất từ trước đến nay; tỷ lệ thất nghiệp của người da màu và người gốc Latin cũng ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Ðạo luật IRA trị giá 430 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua cách đây một năm, mang nhiều nội dung nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, bao gồm miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ; hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ; trợ cấp cho các công ty và người tiêu dùng để chuyển đổi sang công nghệ xanh và bảo vệ môi trường. Những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch đa dạng giúp bảo vệ an ninh kinh tế Mỹ trước những rủi ro.

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, nước Mỹ có thêm hơn 13 triệu việc làm với tỷ lệ người lao động ở độ tuổi trưởng thành (25-45 tuổi) đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm. Trong đó, tỷ lệ lao động nữ trong độ tuổi trưởng thành có việc làm đang ở mức cao nhất từ trước đến nay; tỷ lệ thất nghiệp của người da màu và người gốc Latin cũng ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Nền kinh tế Mỹ đang duy trì khả năng chống chịu tốt, với tỷ lệ lạm phát nói chung và tỷ lệ thất nghiệp đều đã giảm xuống dưới 4%.

Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng, một thước đo lạm phát chính của Mỹ, tăng 3,2% trong tháng 7 vừa qua, song ở mức vừa phải. Lạm phát ở Mỹ được cho là sẽ tiếp tục hạ nhiệt cho đến năm 2025, trong khi chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 3,3% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, năm 2024, lạm phát sẽ ở mức vừa phải là 2,6% trước khi tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào cuối năm 2025.

Thị trường lao động bền vững và khu vực dịch vụ đã cho phép nền kinh tế Mỹ tiếp tục mở rộng, vì vậy, ngày càng có nhiều nhà kinh tế rút lại dự báo về suy thoái kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội kinh doanh quốc gia, tỷ lệ các nhà kinh tế hiện nay cho rằng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 50%.

Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng, một thước đo lạm phát chính của Mỹ, tăng 3,2% trong tháng 7 vừa qua, song ở mức vừa phải. Lạm phát ở Mỹ được cho là sẽ tiếp tục hạ nhiệt cho đến năm 2025, trong khi chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 3,3% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, năm 2024, lạm phát sẽ ở mức vừa phải là 2,6% trước khi tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào cuối năm 2025.

Trong khi đó, theo đánh giá của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đủ mạnh để tránh rơi vào suy thoái, ngay cả khi lãi suất cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đè nặng lên người tiêu dùng. Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II năm nay.

So với cùng kỳ năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2,4% trong quý II, cao hơn mức tăng trưởng 2% của quý I cũng như mức dự báo được các nhà kinh tế đưa ra trước đó là 1,8%. GDP của Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng 0,4% trong nửa cuối năm nay, trước khi tiến triển đều đặn trong giai đoạn 2024-2025.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 lên 1,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự kiến đưa ra hồi tháng 4, nhờ lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng tốt trong quý I năm nay.

Theo IMF, thị trường lao động vẫn mạnh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới góp phần tăng thu nhập thực tế và hoạt động mua bán phương tiện. Ngoài thị trường nhà đất và lĩnh vực sản xuất, phần lớn nền kinh tế Mỹ đang vượt qua được những khó khăn do chính sách tăng lãi suất mạnh của FED gây ra.

Tốc độ tuyển dụng của các công ty Mỹ đang giảm bớt và thị trường lao động đang hạ nhiệt cũng như chi phí mua nhà ở và giá phương tiện là những yếu tố quan trọng đang giúp nước Mỹ làm chậm lại tốc độ gia tăng lạm phát.

Cùng với sự thay đổi của thị trường lao động, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng, chi phí mua nhà ở và giá phương tiện là những yếu tố có thể tiếp tục giúp giảm áp lực về giá cả. Từ đầu năm 2022, FED đã nhanh chóng nâng lãi suất cho vay nhằm kiềm chế lạm phát. Ðợt tăng vào tháng trước đã đưa lãi suất của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2001.

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, các quan chức Mỹ cho biết sẽ tùy thuộc vào dữ liệu cụ thể khi cân nhắc đưa ra các quyết định về lãi suất tiếp theo, nhằm bảo đảm cân bằng giữa việc giảm lạm phát và tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Kể từ cuối năm 2022, các nhà kinh tế đã dự báo về cuộc suy thoái, song với việc áp lực giá cả đang hạ nhiệt, một số chuyên gia cho rằng kịch bản "hạ cánh mềm" đối với nền kinh tế Mỹ mà FED dự tính là khả thi. Các chính sách được chính quyền của Tổng thống Biden đưa ra đã giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu chứng kiến triển vọng tăng trưởng ổn định.

Theo Thái Thanh/nhandan.vn