Triển vọng kinh tế thế giới “gặp khó” khi giá hàng hóa sụt giảm mạnh
Các mặt hàng nguyên liệu thô vốn nhạy cảm với biến động tăng trưởng toàn cầu bị coi là lĩnh vực đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến giá hàng hóa hiện sụt giảm mạnh nhất trong thời gian gần đây, buộc các nhà đầu tư phải chuẩn bị đối phó với tình hình giá cả có thể còn giảm nữa cũng như triển vọng ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong năm 2020.
Giá dầu thô đã giảm mạnh xuống các mức thấp kỷ lục chỉ trong chưa đầy hai tháng trong khi giá kim loại dùng trong công nghiệp từ đồng cho tới nhôm đều bị ảnh hưởng.
Giá cả hàng hóa toàn cầu đã bắt đầu sụt giảm dần ngay sau khi Trung Quốc công bố người đầu tiên thiệt mạng vì COVID-19 hồi tháng Một và sau đó tiến hành các bước nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan, khiến chính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chững lại thêm kể từ đầu năm.
Mặc dù tại thời điểm đó các cổ phiếu vẫn trụ vững, nhưng giá các mặt hàng nguyên liệu đã giảm ngay, bởi Trung Quốc vốn là kênh tiêu thụ vô cùng quan trọng. Đối với một số mặt hàng nguyên liệu ví dụ như kim loại đồng, Trung Quốc có thể tiêu thụ tới 50% tổng lượng đồng cung cấp cho cả thế giới.
Giờ đây khi virus SARS-CoV-2 đã lan ra nhiều nơi, từ Italy cho đến Hàn Quốc, giá cả hàng hóa đã lao dốc cùng với chứng khoán toàn cầu, khiến chỉ số S&P 500 giảm tới 13% chỉ trong 7 phiên giao dịch. Trong khi đó, tình hình giá cả lao dốc cũng đã kéo giá giao dịch các mặt hàng nông nghiệp như đường và sợi bông đi xuống.
Tình trạng bán tháo hiện nay cũng là mối quan ngại đối với nhiều nhà kinh tế bởi giá hàng hóa chính là yếu tố thể hiện sức khỏe nền kinh tế thế giới. Một số nhà đầu tư bày tỏ lo ngại việc bán tháo tài sản có rủi ro cũng sẽ khiến nhiều cổ phiếu tiếp tục gánh chịu hậu quả trong thời gian tới.
Trong tuần này, cùng với việc phải tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, các nhà đầu tư sẽ phải theo dõi sát sao các Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) và các dữ liệu về nhân công tháng Hai để có thể đánh giá nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong năm nay.
Một số nhà kinh tế cũng cho rằng giai đoạn tăng trưởng kinh tế rất tốt kéo dài của Mỹ đã bắt đầu gặp rắc rối. Chỉ số giá dầu thô của Mỹ tuần vừa qua trượt dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, còn giá khí hóa lỏng cũng đã liên tục giảm cả tháng nay.
Tình trạng này là cơ hội hiếm có cho người tiêu dùng được mua khí đốt và xăng xe với giá rẻ hơn nhiều, nhưng lại đe dọa nguồn lợi nhuận của các công ty sản xuất năng lượng và của cả các nước sản xuất dầu mỏ như Saudi Arabia. Trong khi đó, các nước sản xuất dầu mỏ cần phải bán được hàng với giá cao hơn mới có thể đảm bảo vận hành được nền kinh tế của họ.
Chủ tịch công ty Continental Resources Inc, ông Harold Hamm, cho hay lợi nhuận công ty tính từ đầu năm tới nay đã giảm khoảng 45% và có thể thấy rõ rằng nguồn cung dầu khí hiện quá nhiều. Ông Donald Morton, Phó Chủ tịch cao cấp của công ty Herbert J. Sims & Co. nhận định giá dầu hiện đã xuống rất thấp và còn tiếp tục xuống thấp hơn nữa cho đến khi nào hết dịch.
Các quỹ đầu tư phòng hộ và các nhà đầu cơ khác giờ đây cũng không còn đặt cược nhiều vào khả năng giá dầu thô Mỹ có thể tăng lên mà quay sang đặt cược vào khả năng giá khí đốt và kim loại đồng còn tiếp tục giảm nữa.
Nhiều nhà kinh tế hiện trông chờ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng hơn nữa trong phiên họp sắp tới của họ, nhằm sớm bình ổn được giá dầu, nếu như những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 đạt được kết quả khả quan trong thời gian tới. Thế nhưng, lượng dầu do Mỹ và các nước ngoài OPEC sản xuất cũng đã đủ khiến nhiều công ty phải chuẩn bị tinh thần dự trữ tồn kho một lượng dầu rất lớn.
Do giá cổ phiếu và hàng hóa ngày càng giảm, các nhà đầu tư giờ chuyển qua nhắm tới các tài sản an toàn hơn như vàng và trái phiếu, vốn là những mặt hàng có thể giữ được giá trong thời buổi thị trường hỗn loạn. Chính xu hướng này đã đẩy giá vàng tuần vừa qua lên cao nhất trong vòng 7 năm vừa qua và khiến hệ số giữa giá vàng và giá dầu vọt lên cao nhât kể từ đầu năm 2016 đến nay.