Triển vọng ngoại hối trong 2019: USD vẫn mạnh trong ngắn hạn

Theo doanhnhansaigon.vn

Sức mạnh đồng USD sẽ tiếp tục trong vài tháng đầu năm 2019, theo Ngân hàng Standard Chartered.

 Sức mạnh đồng USD sẽ tiếp tục trong vài tháng đầu năm 2019. Nguồn: internet
Sức mạnh đồng USD sẽ tiếp tục trong vài tháng đầu năm 2019. Nguồn: internet

Sự vượt trội về kinh tế của Hoa Kỳ, bất ổn thương mại toàn cầu và khả năng lãi suất thực tại Hoa Kỳ tiếp tục vượt trội so với đồng EUR và JPY có thể sẽ củng cố vị thế của đồng USD. 

Trong Báo cáo Triển vọng 2019 của Standard Chartered, tổ chức tài chính này cho rằng về trung hạn, tăng trưởng và thương mại toàn cầu chậm hơn sẽ tác động đến nền kinh tế, thị trường và các tài sản của Hoa Kỳ, khiến FED giảm tốc độ tăng lãi suất. Đồng USD dự kiến sẽ ổn định khi chênh lệch lãi suất đạt đỉnh.

Sau đây là nhận định của Standard Chartered về triển vọng giá trị các đồng tiền mạnh trong năm 2019.

USD: Vẫn mạnh trong ngắn hạn

Đầu năm 2019, nhiều khả năng sẽ tiếp diễn kịch bản của năm 2018; sự vượt trội về kinh tế của Hoa Kỳ, Fed tiếp tục tăng lãi suất và chênh lệch lãi suất thực tế lớn của đồng USD được khuếch đại do thanh khoản đồng USD toàn cầu thắt chặt, đặc biệt tại Châu Á.

Tốc độ tăng trưởng và lạm phát của Châu Âu chậm hơn, cùng với bất ổn Brexit và các mối lo ngại về nợ của Italia có thể cản trở lộ trình bình thường hóa lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Tương tự, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm và căng thẳng thương mại song phương sẽ tiếp tục, dẫn đến lãi suất giảm và tài khoản vãng lai xấu đi. Vì vậy, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất trong đầu năm 2019, đồng USD có thể tiếp tục được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất dương.

Tuy nhiên, khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại và đồng USD mạnh, sau cùng sẽ tác động đến tăng trưởng, lạm phát và thị trường tài sản của Hoa Kỳ. Điều này có thể khiến FED giảm tốc độ tăng lãi suất, và thị trường sau đó có thể hướng sự chú ý sang nhu cầu tài trợ ngày càng tăng của ngân sách Hoa Kỳ và thâm hụt tài khoản vãng lai. Do vậy, đồng USD có thể yếu dần.

EUR: Suy yếu trước khi xu hướng bị đảo ngược

Đà tăng trưởng chậm lại gần đây của khu vực Châu Âu sẽ tiếp tục vào năm 2019 khi động lực tín dụng giảm và xuất khẩu giảm. ECB có thể vẫn thận trọng và trì hoãn việc tăng lãi suất cho đến cuối năm 2019. Chênh lệch lãi suất âm với Hoa Kỳ dự kiến sẽ khiến đồng EUR suy yếu trong ngắn hạn.

Bất ổn Brexit và lo ngại về Italia, nơi kế hoạch kích cầu tài khóa của chính phủ có mâu thuẫn với các quy tắc ngân sách của Châu Âu, cũng có thể kiềm chế đồng EUR. Cũng có một số rủi ro rằng ngành ngân hàng Italia sẽ yêu cầu hỗ trợ từ Châu Âu.

Trong trung hạn, đồng EUR có thể thuận lợi hơn nếu những rủi ro trên giảm đi và nếu tăng trưởng của Hoa Kỳ chậm lại so với Châu Âu. Thị trường sau đó có thể sẽ hướng sự chú ý từ chênh lệch lãi suất hỗ trợ đồng USD sang cán cân tài khoản vãng lai hiện tại hỗ trợ đồng EUR hơn so với Hoa Kỳ.

GBP: Chịu áp lực và bị định giá thấp

Kết quả chính trị trong ngắn hạn về Brexit là không chắc chắn nhưng có thể quyết định xu hướng đồng bảng Anh (GBP) trong dài hạn. Khả năng thỏa thuận Brexit hiện tại có thể không được quốc hội Anh thông qua. Dự báo mức độ biến động cao hơn khi các thị trường cân nhắc về khả năng không có thỏa thuận, hoặc khả năng một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, hoặc thay đổi thủ tướng và chính phủ.

Phạm vi biến động của tỷ giá GBP/USD sau Brexit (khoảng 1.20 đến 1.43) mang lại tỷ lệ lợi nhuận trên rủi ro tốt. Đồng GBP bị định giá thấp về mặt cơ bản. Những yếu tố này có thể dẫn đến về trung hạn, đồng GBP sẽ tăng giá so với đồng USD và EUR.

CNY: Phụ thuộc các phản ứng chính sách

Năm 2019, Trung Quốc có thể tiếp tục khó khăn cả về kinh tế và địa chính trị. Tăng trưởng chậm lại và thặng dư tài khoản vãng lai giảm, trong khi căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ tiếp tục diễn biến khó lường. Mức độ của những khó khăn này, và các chính sách tương ứng được triển khai, có thể phụ thuộc đáng kể vào sự phát triển của quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chênh lệch lãi suất là một yếu tố quan trọng sẽ gây áp lực lên đồng nhân dân tệ (CNY).

Mặc dù tăng trưởng chậm lại, nhưng Trung Quốc đang tiếp tục quá trình giảm đòn bẩy kinh tế, và mục tiêu ổn định kinh tế xã hội có thể sẽ được Bắc Kinh ưu tiên. Chính quyền cũng sẽ muốn kiềm chế dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc trong thời gian ngắn và tiếp tục nỗ lực quốc tế hóa đồng CNY.

Trung Quốc hiện đã tăng cường kiểm soát vốn và những chính sách trong năm 2019 có thể sẽ là sự pha trộn giữa mục tiêu nới lỏng tiền tệ, kích cầu tài khóa tập trung hướng tới người tiêu dùng và cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với giá trị đồng CNY.

Sau tất cả, tỷ giá USD/CNY có thể sẽ tăng cao hơn trong năm 2019.

AUD: Dẫn dắt bởi chênh lệch lãi suất

Chênh lệch lãi suất sẽ vẫn là yếu tố quyết định đối với tỷ giá đô la Úc (AUD) với đồng USD. Chỉ số lãi suất kỳ hạn không cho thấy khả năng tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Úc cho đến năm 2020 do lạm phát duy trì dưới mức cho phép của Ngân hàng Trung ương Úc (RBA), mức tăng lương thấp và giá bất động sản đang giảm.

Mặc dù tình hình thương mại của Úc đã được cải thiện kể từ năm 2016, điều này khó có thể ngăn đà sụt giảm của AUD/USD trong thời gian tới do lo ngại về suy thoái kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi FED gần kết thúc chu kỳ thắt chặt vào năm 2019 và tỷ lệ thất nghiệp của Úc giảm bắt đầu phản ánh vào mức lương cao hơn, rào cản tăng lãi suất đối với RBA có thể thấp đi, hỗ trợ tỷ giá AUD/USD nhìn theo khoảng thời gian 12 tháng.

JPY: Xu hướng suy yếu

Đồng yen Nhật (JPY) có thể vẫn chịu áp lực so với đồng USD trong thời gian tới vì Ngân hàng Nhật Bản khó có thể dừng kích cầu tiền tệ trong tương lai gần, trong bối cảnh nhu cầu của các định chế Nhật Bản về đầu tư ra nước ngoài. Lạm phát dự kiến sẽ vẫn nằm dưới mục tiêu, trong khi lộ trình dự kiến của ngân hàng trung ương gắn liền với tác động của việc tăng thuế tiêu dùng dự kiến vào tháng 10 năm 2019.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã nhấn mạnh những rủi ro của việc nới lỏng tiền tệ kéo dài, mở đường cho thay đổi chính sách sau này. Đồng JPY cũng có thể hưởng lợi khi căng thẳng địa chính trị leo thang.

Theo đó, USD/JPY có thể duy trì đi ngang trong biên độ trong 12 tháng tới.

Đồng tiền các thị trường mới nổi Châu Á

Do Singapore là một nền kinh tế mở, đồng SGD có thể suy yếu nhẹ so với đồng USD do căng thẳng thương mại, bất ổn toàn cầu và sức mạnh hiện tại của đồng USD. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore kỳ vọng lạm phát giá tiêu dùng cơ bản sẽ tăng nhẹ, mức độ thắt chặt tiền tệ thấp, USD/SGD có thể bị giới hạn đà tăng.

Đồng rupee của Ấn Độ (INR) có thể bị tác động mạnh mẽ bởi xu hướng của giá dầu và thâm hụt tài khoản vãng lai. Ngoài ra, thanh khoản đồng USD toàn cầu giảm có khả năng tạo ra tâm lý căng thẳng toàn thị trường, gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, dòng vốn nước ngoài chảy vào Ấn Độ có thể vẫn nằm trong tầm kiểm soát trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Căng thẳng giữa Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ và chính phủ dường như được xoa dịu và có thể hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong tương lai, cùng với kỳ vọng giá dầu không tăng cao sẽ có xu hướng kiềm chế USD/INR tăng giá.