Triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi
Chiều 5/12, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo điểm lại - một ấn phẩm bán thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế của tổ chức này đánh giá, dù môi trường toàn cầu còn chưa khởi sắc, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định nhờ nhu cầu trong nước cao và ngành sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu.
Do đó, triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6% trong năm 2016.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, Sebastian Eckardt nhấn mạnh, tăng trưởng của Việt Nam giảm nhẹ xuống 5,9% trong ba quý đầu năm 2016, chủ yếu do đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long trong 6 tháng đầu năm khiến sản lượng nông nghiệp thấp, cùng với đó là sản lượng dầu thô bị cắt giảm và nhu cầu bên ngoài chững lại.
Các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng - sức cầu trong nước ổn định và nền sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu nhìn chung vẫn đứng vững. Tăng trưởng của Việt Nam đạt được trong điều kiện lạm phát thấp và tài khoản vãng lai thặng dư cao.
Mặc dù giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng, lạm phát lõi vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung dự kiến không vượt chỉ tiêu chính thức là 5%.
Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu. Đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất.
Quốc hội thông qua Nghị quyết cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Báo cáo cũng cho biết bội chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức cao và đang tiến sát ngưỡng Quốc hội cho phép là 65% tổng sản phẩm quốc nội, tuy nhiên Chính phủ đã tiếp tục cam kết củng cố tình hình tài khóa trong trung hạn.
Thành quả kinh tế vừa qua phần nào có được do tăng trưởng tín dụng cao và chính sách tài khóa tạo hỗ trợ, có thể giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn nhưng lại làm tăng rủi ro tài khóa và tài chính hiện hữu trong trung hạn.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng khá nhiều và tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao, có thể làm gia tăng những nguy cơ dễ tổn thương hiện hữu về tài chính và kinh tế vĩ mô.
Triển vọng trong trung hạn có thể phải tính đến một số rủi ro bất lợi, như chậm trễ trong triển khai chuyển đổi cơ cấu và cải cách tài khóa, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, tình hình thị trường tài chính toàn cầu chưa khả quan và viễn cảnh tăng lãi suất tại Mỹ.
Ngoài ra, Báo cáo cũng bàn về hướng đi để ngành nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao hơn và sinh kế tốt hơn cho người tiêu dùng và nông dân, giảm thâm dụng tài nguyên, nhân lực và không gây suy thoái môi trường.
Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn về năng suất và sản lượng, góp phần hoàn thành các mục tiêu của quốc gia về an ninh lương thực, giảm nghèo và ổn định xã hội. Chính phủ Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp.
Thời gian tới, Chính phủ cần giảm chỉ đạo và tăng hỗ trợ để chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và hệ thống nông nghiệp - thực phẩm ở Việt Nam. Ví dụ, Chính phủ có thể giảm đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp, đồng thời tập trung đẩy mạnh hỗ trợ để thị trường đất nông nghiệp vận hành năng động hơn, khôi phục lại hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp quốc gia.