Triển vọng thị trường toàn cầu cuối năm vẫn tích cực
Tiến dần đến những tháng cuối năm 2018, lo ngại về sức bền của chu kỳ kinh doanh, chiến tranh thương mại (CTTM) và nhiều vấn đề khác tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố Báo cáo triển vọng thị trường toàn cầu tháng 10/2018 trong đó giải đáp một số câu hỏi đáng quan tâm hiện nay và đưa ra dự báo kịch bản chính đối với tăng trưởng và lạm phát trên toàn cầu trong 12 tháng tới.
Chiến tranh thương mại – Liệu có nhượng bộ? Mặc dù CTTM Mỹ - Trung Quốc vẫn có xu hương leo thang nhưng báo cáo của Standard Chartered kỳ vọng, hai bên sẽ có thể sớm có một thỏa thuận để giảm bớt căng thẳng, qua đó sẽ mang lại một giai đoạn bình ổn ngắn cho tài sản ở các thị trường mới nổi.
Chu kỳ kinh doanh sẽ như thế nào? Báo cáo đánh giá chu kỳ phục hồi của Mỹ đã chính thức trở thành đợt thị trường tăng giá dài nhất từ trước đến nay. Mặc dù tăng trưởng kéo dài nhưng rủi ro suy thoái vẫn ở mức thấp, với dự báo tăng trưởng toàn cầu có khả năng duy trì tốt cho tới năm 2019.
“Trong lịch sử, cổ phiếu có xu hướng diễn biến tốt trong giai đoạn cuối chu kỳ. Do đó, chúng tôi không khuyến nghị thoát khỏi thị trường chứng khoán quá sớm. Khi cân nhắc tất cả các yếu tố, nhà đầu tư nên cân bằng giữa các yếu tố cơ bản tốt và rủi ro tăng cao vào cuối chu kỳ, bằng cách phân bổ danh mục đầu tư hạn chế rủi ro và đa dạng hóa tài sản”, báo cáo khuyến nghị.
Lãi suất thực dương sẽ ra sao? Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm nay lên mức 2-2,25%, đẩy lãi suất điều hành thực (sau lạm phát) lên trên mức không lần đầu tiên sau một thập kỷ.
Các chuyên gia Standard Chartered kỳ vọng, Fed sẽ có thêm 1 đợt tăng lãi suất trong năm 2018 và 3 lần nữa vào năm 2019. Lãi suất cao hơn làm cho tiền mặt cũng như trái phiếu ngắn hạn hấp dẫn hơn xét theo lợi suất thực. Hai loại tài sản này có thể giúp đa dạng hóa đầu tư ngay cả trong trường hợp thị trường căng thẳng.
Đường cong lợi suất phẳng – Dấu hiệu một cuộc suy thoái? Đường cong lợi suất tại Mỹ phẳng dần đang được cả thị trường theo dõi. Các nhà đầu tư lo ngại đường cong lợi suất đảo ngược báo hiệu một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Trong lịch sử, khoảng thời gian từ khi đường cong lợi suất đảo ngược – cụ thể là lợi suất Trái phiếu 10 năm thấp hơn lợi suất Trái phiếu 2 năm – cho đến thời điểm thị trường chứng khoán tạo đỉnh có thể kéo dài từ 0 đến 20 tháng (trung bình 10 tháng). “Hiện tại, đường cong lợi suất vẫn dốc, mặc dù độ dốc rất thấp và do đó không phải dấu hiệu cho một cuộc suy thoái sắp xảy ra”, báo cáo này nhận định.
Về bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ, báo cáo dự báo Đảng Dân Chủ sẽ giành được Hạ viện (xác suất 80%), trong khi Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện (xác suất 70%, Nguồn: FiveThirtyEight).
Quý 4 liệu có là quý tốt nhất cho chứng khoán? Trong lịch sử, thị trường trong quý 4 thường có xu hướng tăng trưởng mạnh nhất trong năm (chứng khoán Mỹ tăng giá trung bình khoảng 4% trong quý 4 kể từ năm 1980). Điều này có khả năng tiếp diễn trong quý 4 năm nay.
Và câu hỏi cuối cùng được đặt ra: Mua lại cổ phiếu – Có còn nhiều nguồn lực?. Theo báo cáo, năm 2018 có thể sẽ là năm kỷ lục cho hoạt động mua lại cổ phiếu, với hơn 700 tỷ USD đã công bố từ đầu năm, chiếm 2,75% vốn hóa thị trường Mỹ.
Cho đến nay, các công ty đã mua lại gần 400 tỷ USD cổ phiếu, và có khả năng tiếp tục trong quý 4. Hoạt động này khả năng tiếp tục là động lực hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán Mỹ, bên cạnh dự báo tăng trưởng thu nhập khoảng 13% trong 12 tháng tới.
Với những phân tích như trên, Hội đồng Đầu tư Toàn cầu của Standard Chartered tiếp tục đánh giá xác suất 65% cho kịch bản triển vọng tăng trưởng toàn cầu từ trung bình đến mạnh. Trong đó, Mỹ vượt trội so với các thị trường phát triển khác. Kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 1 lần vào năm 2018, và 3 lần trong năm 2019 trong khi ECB kết thúc mua trái phiếu trong năm nay và tăng 1 lần lãi suất cơ bản vào quý 4 năm 2019. BoJ có khả năng duy trì nới lỏng, trong khi Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.
Rủi ro chính hiện nay là CTTM Mỹ-Trung Quốc gia tăng, điều kiện thanh khoản thị trường thắt chặt hơn và lạm phát của Mỹ tăng vượt dự báo. Những yếu tố này có thể làm suy yếu tâm lý ở các thị trường mới nổi và duy trì mức độ phân hóa trong triển vọng tăng trưởng và chính sách giữa Mỹ và các thị trường phát triển khác. Nhưng trường hợp lạm phát toàn cầu chững lại và biến động ở các thị trường mới nổi cũng có khả năng làm giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.