Triển vọng xuất khẩu lao động năm 2015
(Tài chính) Theo nhận định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng với thị trường truyền thống, một số thị trường mới với thu nhập cao sẽ mở ra cho lao động nước ta trong năm 2015. Ngoài việc nước ta sẽ ký kết thỏa thuận trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi, thị trường Nhật Bản dự kiến cũng sẽ rộng cửa hơn với lao động Việt.
Năm 2014 cả nước có trên 105 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 113% kế hoạch. Đây là lần đầu tiên ngành xuất khẩu lao động vượt ngưỡng đưa 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động Việt Nam tại các thị trường trọng điểm truyền thống tăng đáng kể, như: Đài Loan hơn 60 nghìn người (tăng 15 nghìn so với năm 2013); Nhật Bản gần 20 nghìn người (tăng 10,4 nghìn so với năm 2013); Hàn Quốc gần 7 nghìn người, Malaysia gần 5 nghìn người, Arab Saudi gần 4 nghìn người, Qatar gần 1 nghìn người.
Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết, năm 2014 không hoàn toàn là một năm thuận lợi của xuất khẩu lao động. Việt Nam đã phải rút toàn bộ 1.750 lao động ở Libya về nước vào đầu tháng 8 do xung đột chính trị ở đây. Cùng với đó, Hàn Quốc không tái ký thỏa thuận về hợp tác lao động với Việt Nam theo chương trình EPS dẫn đến việc dừng tuyển mới lao động. Ngoài ra, số lao động sang Lào giảm mạnh, từ trên 5 nghìn người vào các năm trước xuống còn khoảng 300 người.
Dù vậy, đến hết năm, xuất khẩu lao động của nước ta vẫn đạt kỷ lục như đã nêu trên. Theo Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Nguyễn Lương Trào, nhờ đổ dồn lao động vào khu vực Đông Bắc Á nên việc sụt giảm ở các thị trường Hàn Quốc, Libya, Lào, kể cả Malaysia (5 nghìn người, giảm 30% so với năm 2013), không ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Chỉ riêng khu vực này, trong năm qua đã có trên 90 nghìn lao động xuất cảnh, chiếm đến 86% trong tổng số 40 thị trường.
Lao động đi làm việc tại thị trường Đài Loan trong năm 2014 cũng đạt con số lớn nhất từ trước tới nay. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh nhìn nhận, việc tập trung chấn chỉnh vi phạm của doanh nghiệp và thực hiện lộ trình giảm phí cho người lao động ở Đài Loan trong 2 năm qua đã mang đến nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, từ chỗ chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp, hiện đã có trên 100 doanh nghiệp khai thác thị trường Nhật Bản. Trước đây, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản làm việc chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may thì nay Nhật Bản nhận thực tập sinh nước ta trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh. Chính 2 thị trường này đã giúp duy trì số lượng lao động cung ứng ra nước ngoài luôn đạt trên 8 nghìn người/tháng.
Năm 2015, phát triển thị trường thu nhập caoVề xuất khẩu lao động năm 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cùng với thị trường truyền thống, một số thị trường mới với mức thu nhập cao sẽ mở ra cho lao động nước ta như châu Phi và Trung Đông, bởi Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi, tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho lao động. Thị trường Nhật Bản dự kiến cũng sẽ rộng cửa hơn với lao động Việt Nam. Để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo tổ chức năm 2020, từ nay đến năm 2020, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây. Do đó, trong thời gian tới, các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của thị trường Nhật Bản là xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm...
Đánh giá về cơ hội tiếp nhận lao động có trình độ cao của Việt Nam ởã các thị trường trong thời gian tới, Phó cục trưởng Tống Hải Nam chia sẻ, nhu cầu tiếp nhận lao động trình độ cao của các quốc gia tiếp nhận lao động vẫn luôn có, tuy nhiên lao động Việt Nam không có nhiều cơ hội do chưa được các quốc gia tiếp nhận tin cậy về trình độ, tay nghề, và ngoại ngữ. Trước đây, lao động trình độ cao của Việt Nam chỉ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc (theo chương trình thẻ vàng) nhưng với số lượng rất hạn chế, và một số chuyên gia đi làm việc ở các quốc gia nhưng theo hình thức cá nhân. Hai năm trở lại đây, lao động trình độ cao của Việt Nam, đặc biệt là lao động trong ngành điều dưỡng, hộ lý, có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài hơn khi Cục Quản lý lao động ngoài nước được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao trực tiếp thực hiện hai chương trình hợp tác với Nhật Bản và Đức trong tuyển chọn, đào tạo và đưa các ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại hai quốc gia này.Hiện, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có chương trình Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo Thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài. Ông Tống Hải Nam khẳng định, với trình độ đào tạo tiến bộ và khả năng ngoại ngữ ngày càng tốt của lao động nước ta, khả năng tiếp cận với thị trường lao động trình độ cao ở nước ngoài của lao động Việt Nam là hoàn toàn có thể.