Công an Hà Nội :
Triệt phá nhiều vụ buôn lậu, hàng giả
Theo đánh giá của Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế, thời gian qua lực lượng Công an TP. Hà Nội làm tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, do đó đã khám phá được nhiều vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả lớn, gây tiếng vang, được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân ghi nhận.
Trong những năm vừa qua, qua theo dõi hoạt động của Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, đặc biệt lực lượng Công an Thủ đô, chúng tôi nhận thấy: các đ/c đã thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389/QG và Ban chỉ đạo 389/TP Hà Nội trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các đồng chí đã làm tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, do đó đã khám phá được nhiều vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả lớn, gây tiếng vang, được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân ghi nhận (Điển hình: Vụ vận chuyển, buôn bán 36kg vàng trang sức nhập lậu qua biên giới; vụ sản xuất, buôn bán ống nhựa "TIEN PHONG" giả với tổng trị giá hàng hóa thu giữ trên 700 triệu đồng...).
Kết quả đó đã góp phần hạn chế tối đa các hoạt động của các loại tội phạm này, lập lại trật tự, kỷ cương trong kinh doanh thương mại, bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế phục vụ đời sống nhân dân, được các cấp các ngành và quần chúng nhân dân ghi nhận.
Tuy nhiên, theo ông Đàm Thanh Thế, kết quả công tác còn chưa tương xứng với tình hình thực tế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp, cả về quy mô, tính chất và phạm vi. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...
Ngoài những nguyên nhân như: Lực lượng, phương tiện, cơ chế chính sách, nhưng nguyên nhân đáng chú ý đó là sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.
Các đối tượng hoạt động phạm tội thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó, có các đối tượng ở ngoại tỉnh, có đối tượng người nước ngoài nên việc xác minh, truy tìm đối tượng gặp nhiều khó khăn.
Tính chất hoạt động của các đối tượng phạm tội luôn manh động liều lĩnh, có dấu hiệu bảo kê của các băng nhóm tội phạm hoạt động kiểu xã hội “đen”, có sự chống đối quyết liệt khi bị các cơ quan chức năng đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát.
Một trong những phương thức vận chuyển hàng lậu gây nhức nhối cho xã hội đó là các đối tượng thương binh tham gia vận chuyển hàng lậu, chống đối quyết liệt khi các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.
Các đối tượng thường đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng bằng cách sử dụng rất nhiều hóa đơn: Hóa đơn quay vòng, hóa đơn ghi giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của hàng hóa (các đầu xuất bán hóa đơn - thường là các hộ ở đường biên, các đối tượng đều đã rút kinh nghiệm và mở bảng theo dõi việc nhập, bán hàng đầy đủ…) gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh, xử lý.
Theo thông lệ hàng năm, tình hình tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, nhất là các mặt hàng hóa tiêu dùng dự báo sẽ tăng cao trong thời gian giáp Tết Nguyên đán 2018.
Để chủ động đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là ổn định thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, Công an TP. Hà Nội cần: Thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như báo cáo đã trình bày, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới.
Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là việc quán triệt, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41 của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công điện và Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở đó xây dựng chương trình kế hoạch công tác phù hợp với đơn vị mình : Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, rà soát toàn diện trên địa bàn các quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Qua đó nhận diện, lên danh sách được các loại đối tượng, địa bàn, tụ điểm, tuyến, đường dây buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả để lập hồ sơ, lập án, lập kế hoạch, thu thập tài liệu đấu tranh triệt phá, bắt giữ, xử lý.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các ổ nhóm, đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái; tuyên truyền đến các làng nghề hoặc thông qua thông tin đại chúng tuyên truyền tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả để nâng cao ý thức của người dân trong việc chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kêu gọi người dân thực hiện chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”…
Tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành chức năng (Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành...) tiếp tục mở các đợt kiểm soát hành chính đột xuất và định kỳ đặc biệt là với các tuyến, địa bàn trọng điểm mà các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm thường xuyên hoạt động, nhằm phát hiện những nơi sản xuất, buôn bán, tiêu thụ, chứa chấp hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại... thu hồi, lập hồ sơ, xác minh, xử lý.
Phối hợp các ngành nội chính đưa ra xét xử các vụ án điểm, lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa đồng thời phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giúp đỡ, lên án, phát hiện đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Định kỳ tổ chức giao ban với các lực lượng: Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra, Kiểm lâm, Thú y, Chi cục đo lường chất lượng… để sơ kết, tổng kết, đánh giá những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế chưa làm được, từ đó có phương hướng, giải pháp cho thời gian tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý trong thời gian tới.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ chiến sỹ, nhất là các lực lượng trực tiếp làm công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhằm xây dựng lực lượng đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát vững vàng bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định pháp luật.