Ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Chế tài phải mạnh

Theo Nguyễn Quỳnh/daibieunhandan.vn

Nếu coi việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một căn bệnh thì các biện pháp hành chính chỉ có thể chữa được triệu chứng chứ không điều trị được tận gốc. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cần quy định rõ cơ quan đầu mối quản lý và có chế tài xử lý thích hợp đối với các hành vi vi phạm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp lớn cũng vi phạm

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp.

Theo đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 88,5 nghìn vụ việc vi phạm (bằng 93,71% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế gần 8 nghìn tỷ đồng (tăng 40,44% so với cùng kỳ), khởi tố hơn 1 nghìn vụ đối với 1.372 đối tượng.

Mặc dù, công tác chống buôn lậu đạt được kết quả tích cực nhưng kết quả còn chưa tương xứng với thực tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra phức tạp.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam Đỗ Thanh Lam cho biết, mỗi năm Cục Quản lý thị trường xử lý trên 100 nghìn vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, mới đây nhất là vụ Khaisilk.

Phương thức thực hiện tinh vi, phức tạp hơn và có yếu tố nước ngoài. “Mặt hàng nào có chênh lệch, thu lời lớn rất dễ bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Địa bàn hàng giả không chỉ ở các thành phố lớn mà lan ra các địa phương, kể cả các các doanh nghiệp lớn vẫn bị vi phạm”, ông Đỗ Thanh Lam nhận định.

Có chế tài xử lý thích hợp

Theo chuyên gia sở hữu trí tuệ, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Mạnh Hùng, do lợi nhuận từ hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái quá lớn nên không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả doanh nghiệp lớn cũng làm.

Mặt khác, có một bộ phận người tiêu dùng ham giá rẻ nên thích dùng hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, doanh nghiệp ngại tiếp xúc và khiếu nại với cơ quan hành chính nhà nước nên tìm cách che giấu. Việc này đã vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn làm ăn chân chính.

Điều này cũng trái ngược với doanh nghiệp nước ngoài. Khi phát hiện hàng giả, hàng hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, họ phải truyền thông để cho người tiêu dùng biết và báo cho cơ quan chức năng vào cuộc.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là do pháp luật xử lý hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ mới chỉ dừng lại ở xử lý hành chính thì không giải quyết triệt để vấn đề.

Hiện nay các điều, khoản trong Bộ Luật hình sự mới đã mở ra vấn đề hình sự hóa khi doanh nghiệp buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả nhãn hiệu, nhưng việc thực hiện còn rất nhiều khó khăn. “Hành lang pháp lý như vậy nhưng cơ quan thực thi có dám làm hay không?”, ông Trần Mạnh Hùng băn khoăn.

Theo bà Hải Yến, đại diện công ty Luật Quốc tế Thiên Việt, nếu coi việc làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một căn bệnh thì các biện pháp hành chính chỉ có thể chữa trị được triệu chứng chứ không điều trị được tận gốc. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy về sở hữu trí tuệ, quy định rõ cơ quan đầu mối quản lý và có chế tài xử lý thích hợp đối với các vi phạm của cả người thực thi cũng như người quản lý.

Chẳng hạn, Nghị định số 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin quy định: mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động này tối đa là 30 triệu đồng (đối với hành vi in lậu). Đây là mức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận mà các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu thu được, không đủ sức răn đe.

Giải pháp hiện nay cho các doanh nghiệp là ứng dụng tem chống hàng giả chất lượng cao, để có thể truy xuất nguồn hàng. Đây là giải pháp đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư để bảo vệ sản phẩm của mình. Ngoài ra, ông Đỗ Thanh Lam cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông hơn nữa, trong đó tập trung xác định vấn đề truyền thông cụ thể để người dân biết.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, so với yêu cầu thì các lực lượng thực thi có rất ít cán bộ và không mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, cần có chương trình huấn luyện cán bộ đầu mối về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan ở trung ương và địa phương.

Các doanh nghiệp, chủ sở hữu tài sản trí tuệ, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ và trông chờ sự bảo hộ của luật pháp, nên có hệ thống nhân sự và kỹ thuật chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phải coi việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ không chỉ là của các cơ quan quản lý mà phải là việc của toàn dân, của các doanh nghiệp, các Hiệp hội, các đại diện sở hữu trí tuệ, những người sáng tạo. Nhưng vai trò lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải được đặt ở vị trí trung tâm.