Trung Mỹ và cạnh tranh của các nước lớn

Theo Ngọc Lan/antg.cand.com.vn

Có 2 đặc điểm địa chính trị khiến Trung Mỹ trở thành không gian cần phải tranh giành đối với các nước lớn.

Kênh đào Panama - nguồn lợi ích béo bở mà bất cứ cường quốc nào cũng thèm muốn.
Kênh đào Panama - nguồn lợi ích béo bở mà bất cứ cường quốc nào cũng thèm muốn.

Thứ nhất, đây là cầu nối giữa hai khối lục địa lớn, Bắc Mỹ - Nam Mỹ và thứ hai, địa hình nhỏ hẹp của tiểu khu vực này cho phép tạo ra một giao lộ nhanh giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đặc điểm thứ hai này có tầm quan trọng lớn trong thời kỳ thuộc địa, khi các tuyến hàng hải quyết định sự hiện diện của những thế lực ngoại xâm.

Nhiều nhà tư tưởng Mỹ đã đề cao những đặc tính này. Có thể kể đến sử gia và chiến lược gia hải quân Alfred Mahan (1840-1914), người đã gọi vùng Caribe là Mare Nostrum (thuật ngữ Latin cổ có nghĩa là “biển của chúng ta”, thường được người La Mã sử dụng để chỉ Địa Trung Hải).

Hay Nicholas Spykma (1893-1943), một trong những vị cha đẻ của môn địa - chính trị nước Mỹ, đã gọi Trung Mỹ là “châu Mỹ - Địa Trung Hải” như một sự nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến hàng hải đi qua vùng biển này và nhu cầu kiểm soát Caribe của Mỹ nhằm củng cố vị thế bá quyền đang lên đầu thế kỷ XIX. Theo nghĩa này, việc tranh giành quyền kiểm soát vùng eo đất Trung Mỹ sẽ được xem là thách thức trực tiếp đối với sức mạnh của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, một cường quốc đang trên đà trở thành siêu cường thì ngoài những yếu tố mô tả ở trên, họ còn có một lợi ích đặc biệt khác tại Trung Mỹ. Cho tới nay, mới chỉ có 3 quốc gia ở tiểu khu vực này có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là Costa Rica, Panama và El Sanlvador, ít hơn nhiều so với con số các quốc gia có quan hệ với các vùng lãnh thổ khác từ Trung Hoa đại lục.

Thương mại luôn là lĩnh vực ưu tiên đối với tiểu khu vực Trung Mỹ, nơi Mỹ chiếm tỉ trọng quan trọng. Tuy nhiên, tỷ trọng này đang giảm dần. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ-Latin và Caribe của Liên Hiệp Quốc (Cepal), trong 20 năm kể từ năm 1998 đến năm 2018, tỷ trọng của Mỹ trong tổng giá trị thương mại của Trung Mỹ đã giảm 10 điểm phần trăm. Trong khi đó, từ năm 2012, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của tiểu khu vực này, thay thế một phần hoạt động nhập khẩu của Mỹ.

Quan hệ thương mại song phương nhìn chung mang ít giá trị gia tăng và công nghệ - ngoại trừ trường hợp Costa Rica, nước xuất khẩu con chip của hãng Intel sang Trung Quốc và do vậy đa phần lợi nhuận từ hoạt động này cũng không thuộc về Costa Rica và tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 13% một năm, theo thống kê năm 2018 của Cepal.

So với phần còn lại của Mỹ-Latin, Trung Mỹ không xuất khẩu nguyên liệu thô quy mô lớn sang Trung Quốc như Argentina hay Brazil. Tuy nhiên một trong những mối quan tâm lớn nhất của Bắc Kinh tại đây là khả năng thâm nhập các dự án thủy điện chiến lược. Ví dụ như tại Honduras, công ty liên doanh với Trung Quốc Sinohydro đã giành quyền tham gia dự án thủy điện chiến lược trên sông Patuca. Mối quan tâm này phản ánh nhu cầu của Bắc Kinh trong việc tạo ra những tài sản chung để củng cố mô hình kinh tế và đời sống của người dân Trung Quốc.

Đối với Costa Rica, đó là việc triển khai xây dựng sân vận động quốc gia, thành lập Viện Khổng tử tại Đại học Costa Rica và sau đó là khu phố Tàu dọc con đường Paseo de los Estudiantes tại trung tâm thủ đô San José. Tất cả những dự án này mang tính cốt yếu đối với Trung Quốc trong chiến lược ngoại giao văn hóa nhằm hạn chế mức độ thâm nhập văn hóa vốn rất sâu của Mỹ tại tiểu khu vực này. Thêm vào đó, Trung Quốc còn cung cấp cho Chính phủ Costa Rica các khoản viện trợ không hoàn lại có tổng trị giá 30 triệu USD.

Tại Panama, Trung Quốc đầu tư 200 triệu USD vào hạ tầng cơ sở - con số quá đủ cho việc mở rộng kênh đào Panama. Bên cạnh đó, hai bên đồng ý ký kết một Thỏa thuận Thương mại tự do (hiện đang bị chính quyền tân Tổng thống Laurentino Cortizo xem xét lại theo hướng hạn chế về quy mô). Tại El salvador, Tổng thống Sánchez Cerén đã quyết định chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”, đồng thời công bố chiến lược xây dựng các đặc khu kinh tế thông qua việc tận dụng những kinh nghiệm và hiểu biết của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.

Rốt cuộc, như một tiêu chí để trở thành cường quốc, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Mỹ. Sự hiện diện ngày càng rõ nét của quốc gia đông dân nhất thế giới tại tiểu khu vực này liên quan chủ yếu tới khả năng tận dụng các tuyến hàng hải chiến lược để vận chuyển hàng hóa nhập khẩu từ Nam Mỹ, cũng như tận dụng nguồn tài nguyên thủy điện nơi đây.

Mọi yếu tố đều cho thấy ván bài của Bắc Kinh tại đây chủ yếu nhắm vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho phép thiết lập một trung tâm hậu cần, tận dụng địa hình eo đất của Trung Mỹ, từng được Mỹ và các mẫu quốc châu Âu trước đây khai thác khá tốt. Về phần mình, kể từ thời điểm El salvador thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cắt đứt với vùng lãnh thổ khác, Mỹ đã bắt đầu những hành động phản công mạnh mẽ hơn tại không gian vốn ảnh hưởng truyền thống của mình và hiện vẫn giữ vai trò cốt yếu trong việc duy trì bá quyền của họ, như các học giả kinh điển đã chỉ ra.

Giờ đây, còn phải chờ tác động cụ thể của việc Bắc Kinh triển khai chiến lược “Vành đai và Con đường”, một dự án có tầm vóc toàn cầu và khả năng thách thức địa vị thống trị của Mỹ, cho dù chủ yếu mới chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế, không chỉ tại Trung Mỹ mà còn tại Mỹ-Latin.