Kinh tế Mỹ 2019: Thâm hụt ngân sách lớn nhất kể từ năm 2012

Theo TTXVN/Vietnam+

Chính phủ Mỹ đã kết thúc tài khóa 2019 với khoản thâm hụt ngân sách lớn nhất trong bảy năm qua, do các khoản thu từ thuế không đủ bù đắp chi phí trả nợ công và chi tiêu gia tăng.

Kinh tế Mỹ 2019: Thâm hụt ngân sách lớn nhất kể từ năm 2012.
Kinh tế Mỹ 2019: Thâm hụt ngân sách lớn nhất kể từ năm 2012.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/10 cho biết, Chính phủ nước này đã kết thúc tài khóa 2019 với khoản thâm hụt ngân sách lớn nhất trong bảy năm qua, do các khoản thu từ thuế không đủ bù đắp chi phí trả nợ công và chi tiêu gia tăng.

Theo Bộ trên, các số liệu phản ánh tài khóa đầy đủ thứ hai dưới thời Tổng thống Donald Trump được đưa ra vào thời điểm nước Mỹ tiến hành các biện pháp tăng thuế cùng với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong 50 năm qua.

Trong tài khóa 2019, thâm hụt ngân sách của Mỹ lên tới 984 tỷ USD, chiếm 4,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của tài khóa 2018 là 779 tỷ USD, tương đương 3,8% GDP. Tổng thu từ thuế tăng 4% song tổng mức chi tiêu tăng 8,2%.

Thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt mức đỉnh là 1.400 tỷ USD vào năm 2009 khi Chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama tiến hành các biện pháp khẩn cấp để củng cố hệ thống ngân hàng quốc gia nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và kích thích nền kinh tế đang trên đà suy thoái.

Thâm hụt ngân sách hằng năm giảm xuống mức 585 tỷ USD vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Obama và các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã chỉ trích ông Obama vì không làm giảm mức thâm hụt ngân sách thêm nữa.

Kể từ đó, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã gia tăng một phần do việc cải tổ hệ thống thuế của đảng Cộng hòa, vốn làm giảm mạnh trong ngắn hạn các khoản thu từ thuế doanh nghiệp, và tăng chi tiêu quân sự.

Cuối tài khóa 2019, các khoản trả thuế doanh nghiệp tăng 5%. Thuế hải quan, vốn chịu tác động của cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Trump phát động nhằm vào Trung Quốc và các nước khác đã tăng 70% bình quân hằng năm.

Kinh phí dành cho các chương trình chi tiêu quốc phòng, y tế và an sinh xã hội cũng gia tăng.

Hiện nay, dân số Mỹ đang già hóa và các nhà kinh tế cảnh báo rằng chi phí bắt buộc dành cho an sinh xã hội và y tế cũng như các chương trình hưu trí liên bang cho người cao tuổi sẽ không bền vững.

Trước đó trong năm 2019, Quốc hội Mỹ đã thông qua một thỏa thuân ngân sách trong hai năm nhằm tăng ngân sách liên bang cho các chương trình quốc phòng và đối nội khác.

Thâm hụt ngân sách gia tăng nảy sinh từ việc trả lãi cho các khoản nợ công. Các khoản vay tiếp tục gia tăng trong năm 2019.

Hồi tháng 9/2019, Chính phủ Mỹ đã ghi nhận mức thặng dư ngân sách 83 tỷ USD, giảm 31% so với tháng 9/2018, trong khi đó, tổng chi là 291 tỷ USD, và tổng thu từ thuế là 374 tỷ USD, tương ứng với các mức tăng 30% và 9% so với cùng kỳ năm 2018.

Cùng ngày, tại thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nhóm họp vào tuần tới nhằm đưa ra chính sách tài chính đảm bảo kinh tế Mỹ tăng trưởng, có nhiều đồn đoán rằng nhiều khả năng cơ quan này sẽ tiếp tục cắt giảm suất.

Điều này đã khiến một số nhà quản lý quỹ trái phiếu chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, như một kênh đầu tư an toàn, tránh rủi ro từ đầu tư trái phiếu ngắn hạn.

Có nhiều thông tin cho rằng lãi suất ngắn hạn của Mỹ sẽ lần đầu tiên được điều chỉnh về gần mức 0% kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát vừa công bố của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE), Ủy ban Khảo sát Triển vọng của NABE dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ chậm lại mức 2,3% trong năm 2019 và sau đó xuống 1,8% năm 2020, với sự không chắc chắn trong chính sách thương mại là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chủ tịch NABE đồng thời là nhà kinh tế trưởng của KPMG, ông Constance Hunter, cho biết Ủy ban trên nhận định kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020, nhưng tốc độ sẽ đạt dưới 2% lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Cuộc khảo sát trên, được tiến hành từ ngày 9/9 đến ngày 16/9, đưa ra dự báo chung của Ủy ban gồm 54 nhà kinh tế.