Trung Quốc áp dụng các biện pháp kích thích nền kinh tế


Gần đây Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này đang chậm lại.

Quý II và III năm 2024, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng do khủng hoảng bất động sản kéo dài và thị trường việc làm hạn chế. Các số liệu kinh tế tháng 8 đều không đạt dự báo.

Trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã triển khai một loạt các công cụ chính sách, bao gồm cắt giảm lãi suất, bổ sung thanh khoản vào hệ thống và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve Requirement Ratio, hay RRR).

Cụ thể, ngày 23/9, PboC đã quyết định giảm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại (Repo) đảo ngược từ 1,95% xuống 1,85%. Đồng thời, PboC đã bổ sung 74,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10,6 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua công cụ này. Động thái này nhằm giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tăng đầu tư.

Ngày 24/9, PboC đã công bố quyết định cắt giảm RRR thêm 50 điểm cơ bản, qua đó tạo ra một lượng thanh khoản tương đương khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 141,7 tỷ USD) vào thị trường. Giảm RRR là hình thức các ngân hàng thương mại sẽ phải giữ lại ít tiền hơn tại ngân hàng trung ương, từ đó có thể cho vay nhiều hơn, thúc đẩy hoạt động tín dụng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Động thái này giúp PBoC có thêm dư địa nới lỏng chính sách mà không lo nhân dân tệ mất giá.

Hai biện pháp kích thích nền kinh tế gần đây của Trung Quốc.
Hai biện pháp kích thích nền kinh tế gần đây của Trung Quốc.

Như vậy, việc đồng thời giảm cả lãi suất và RRR sẽ tạo ra một cú hích kép cho nền kinh tế, vừa giảm gánh nặng về chi phí vay vốn, vừa tăng cường thanh khoản hệ thống. Khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định trở lại và nhu cầu tiêu dùng được thúc đẩy, kỳ vọng vào sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/9/2024 cho thấy giá tiêu dùng gần như không tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, vào đúng thời điểm mà thu nhập của người lao động ở nước này suy giảm. Giá hàng hóa tại cổng nhà máy liên tục suy giảm.

Cũng theo NBS, tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu tháng thứ ba tăng yếu hơn dự báo trong vòng 4 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu do giá lương thực - thực phẩm tăng 2,8%. Ngoài ra, lạm phát lõi chỉ tăng 0,3%, mức tăng yếu nhất trong hơn 3 năm và đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp tăng dưới 1%.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã liên tục giảm từ cuối năm 2022, với mức giảm 1,8% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số này trong vòng 4 tháng, sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,8% của tháng 7/2024 và vượt mức dự báo giảm 1,4% mà giới phân tích đưa ra.

Theo Tạp chí Công thương