Trung Quốc cấm tất cả các giao dịch bằng tiền mã hóa

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Động thái mới nhất từ phía Trung Quốc có thể coi như động thái mở rộng hướng đến việc cấm tất cả các loại tiền mã hóa ngoại trừ tiền mã hóa của ngân hàng trung ương.

Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào ngày thứ Sáu công bố cấm tất cả các giao dịch và dịch vụ bằng tiền mã hóa, như vậy giới chức Trung Quốc chính thức “leo thang” cấm bitcoin và một số loại tiền số khác trong nỗ lực phát hành đồng tiền mã hóa riêng của nước này.

Theo báo Nikkei, các nhà quản lý Trung Quốc đã công bố sẽ nghiêm khắc cấm việc trao đổi tiền mã hóa, cung cấp thông tin hoặc dịch vụ giá cả cũng như giao dịch phái sinh tiền mã hóa. Các biện pháp này đồng thời áp dụng cho cả các sàn giao dịch nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tuyến bên trong biên giới Trung Quốc. Những người vi phạm sẽ bị phạt.

Đây là động thái chính sách cứng rắn mới đây nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực ngăn chặn việc thoái vốn và phục vụ cho mục tiêu phát hành đồng nhân dân tệ mã hóa của riêng nước này, dự kiến sẽ được khởi động từ năm 2022.

Giá của bitcoin, loại tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới, giảm khoảng 9% sau thông báo mới nhất từ phía Trung Quốc. Trong phiên hôm qua, đã có lúc giá bitcoin xuống dưới mốc 41.000USD.

Tuyên bố mới nhất được ký thông qua bởi nhiều cơ quan liên quan trong đó bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), Cơ quan An ninh Mạng (CAC) và Tòa án Tối cao Trung Quốc. Nội dung tuyên bố nhấn mạnh rằng tiền mã hóa đã gây gián đoạn trật tự kinh tế và tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động rửa tiền, gây quỹ trái phép và gian lận.

Tiền mã hóa không thể có vị thế tương đương như tiền thông thường và có thể không được lưu thông trên thị trường, văn bản nhấn mạnh và nêu rõ tên của bitcoin và ethereum.

Chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura, ông Takahide Kiuchi, nhấn mạnh động thái mới nhất từ phía Trung Quốc có thể coi như động thái mở rộng hướng đến việc cấm tất cả các loại tiền mã hóa ngoại trừ tiền mã hóa của ngân hàng trung ương.

Vào tháng 6/2021, giới chức Trung Quốc đã ra lệnh yêu cầu 5 ngân hàng nhà nước trong đó có bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC); Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) cũng như ứng dụng thanh toán nổi tiếng Alipay nhằm giảm hẳn các giao dịch tiền mã hóa.

Đồng thời giới chức cũng cấm toàn diện với hoạt động tiền mã hóa, nhiều bên đào tiền tại Trung Quốc đã chuyển hoạt động ra nước ngoài.

Đến ngày thứ Sáu, giới chức Trung Quốc thông báo các biện pháp siết chặt hơn nữa việc đào tiền mã hóa, họ cấm hoạt động mới và yêu cầu các dự án đang hoạt động ngừng lại. Nguồn cung điện cho các bên đào tiền mã hóa bị cấm, các dự án này cũng không thể nhận được các hỗ trợ tài chính, tài khóa hoặc thuế quan.

PBOC có kế hoạch chính thức ban hành đồng nhân dân tệ số ngay từ năm 2022 sau thế vận hội mùa đông ở Trung Quốc. Trung Quốc có kế hoạch sửa luật nhằm cấm tư nhân phát hành tiền mã hóa bởi việc này khiến giới chức khó kiểm soát.

Giới chức Trung Quốc đồng thời muốn ngăn dòng vốn bị rút đi. Tiền mã hóa cho đến nay đã được sử dụng để né tránh biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh kể cả từ trước đại dịch COVID-19, giới chức Trung Quốc đã rất cố gắng ngăn chặn lỗ hổng pháp lý này.

Tác động trực tiếp từ quy định cấm mới sẽ hạn chế và ảnh hưởng của yếu tố Trung Quốc lên thị trường tiền mã hóa cho đến nay khá hạn chế. Thế nhưng khi mà phía Mỹ đang tính đưa ra quy định mới và nhiều nước khác cũng đang hướng đến phát triển tiền mã hóa riêng, các nhà quan sát thị trường đang theo dõi các động thái tương tự ở các nơi khác.