Trung Quốc cần đẩy nhanh cải cách hệ thống tài chính
Xuất khẩu và thặng dư thương mại chuyển biến tích cực, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc muốn đẩy nhanh quá trình phục hưng, thì cần có sự hỗ trợ của hệ thống tài chính mạnh.
Xuất khẩu và thặng dư thương mại
Ngày 7/9, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu bằng đồng USD của Trung Quốc trong tháng 8/2020 đạt 411,59 tỷ USD (tăng 4,2% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu đạt 235,26 tỷ USD (tăng 9,5%), nhập khẩu đạt 176,33 tỷ USD (giảm 2,1%). Thặng dư thương mại là 58,93 tỷ USD, vượt xa mức 50,5 tỷ USD mà các chuyên gia dự đoán.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 20.050 tỷ Nhân dân tệ (NDT) (khoảng 2.860 tỷ USD), giảm 0,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 11.050 tỷ NDT (tăng 0,8%) và nhập khẩu đạt 9.000 tỷ NDT (giảm 2,3%).
ASEAN tiếp tục trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch 2.930 tỷ NDT, tăng 7%, chiếm 14,6% tổng kim ngạch thương mại của nước này; Liên minh châu Âu (EU) xếp thứ 2 với 2.810 tỷ NDT (tăng 1,4%); Mỹ đứng thứ 3 với 2.420 tỷ NDT (giảm 0,4%); Nhật Bản đứng thứ 4 đạt 1.400 tỷ (tăng 1,0%); kim ngạch thương mại với các nước dọc tuyến “Vành đai, Con đường” đạt 5.860 tỷ NDT, tăng 0,5% so với cùng kỳ, chiếm 29,2% tổng kim ngạch thương mại của nước này. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam, Thái Lan và Singapore tăng lần lượt 8,9%, 11,9% và 9,9% so với cùng kỳ.
Về dự trữ ngoại hối, theo số liệu của Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc, tính đến cuối tháng 8, quy mô dự trữ của Trung Quốc đạt 3.164 tỷ USD, tăng 10,2 tỷ USD (0,3%) so với cuối tháng 7/2020. Người phát ngôn của Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc Vương Xuân Anh nhận định, thị trường ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 8 vận hành ổn định, cung cầu ngoại hối về cơ bản cân bằng. Trên thị trường tài chính quốc tế, do tác động của các yếu tố như kỳ vọng về chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, số liệu kinh tế vĩ mô, tỷ giá các đồng tiền khác so với USD tăng, biến động giá tài sản, khiến quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC), tính đến cuối tháng 8, dự trữ vàng của Trung Quốc đạt 62,64 triệu ounce (khoảng 1.948 tấn), duy trì mức không đổi so với cuối tháng 7.
Một thông tin liên quan, năm 2020, lượng hàng hóa bốc dỡ tại cảng Bắc Quảng Tây (Trung Quốc) đạt mức tăng trưởng nhanh. Số liệu thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2020, sản lượng bốc dỡ hàng hóa tại cảng này đạt 167,6 triệu tấn, tăng 18,4% so với cùng kỳ, trong đó, lượng bốc xếp hàng hóa tại cảng đạt 2,57 triệu container, tăng 34,1% so với cùng kỳ. Đây là cảng ven biển duy nhất của Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng hai con số về lượng hàng hóa bốc dỡ, đứng đầu về tốc độ tăng trưởng.
Dự kiến đến năm 2022, cảng Bắc Quảng Tây có thể tiếp nhận tàu container 200.000 tấn và tàu thông thường cỡ 300.000 tấn. Thời gian tới, Quảng Tây sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm gồm: lượng hàng hóa qua cảng Bắc Quảng Tây đạt 5 triệu container vào năm 2020; cơ bản hoàn thành xây dựng “Tuyến vận tải đường bộ - đường biển mới miền Tây” vào năm 2025 và hoàn thành toàn diện mục tiêu xây dựng Tuyến vận tải vào năm 2035.
Bất cập của hệ thống tài chính
Trong một diễn biến khác, PBOC công bố Sách trắng về “Tham gia cải cách lãi suất chuẩn quốc tế và kiện toàn hệ thống lãi suất chuẩn của Trung Quốc”. Sách Trắng chỉ ra rằng, trên thị trường tài chính quốc tế hiện nay, lãi suất chuẩn được sử dụng rộng rãi là lãi suất liên ngân hàng London (Libor).
Theo đó, PBOC đã hướng dẫn và xây dựng lộ trình và thời gian biểu cho việc “tham gia cải cách lãi suất chuẩn quốc tế và cải thiện hệ thống lãi suất chuẩn của Trung Quốc”, tổ chức nghiên cứu chuyên sâu và hướng dẫn các ngân hàng liên quan chuẩn bị cho việc đưa ra lãi suất chuẩn càng sớm càng tốt; cho rằng lãi suất chuẩn đóng vai trò là tham chiếu quan trọng để định giá tài sản và là yếu tố quan trọng của thị trường tài chính.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc muốn đẩy nhanh quá trình phục hưng, thì cần có sự hỗ trợ của hệ thống tài chính mạnh. Hiện hệ thống tài chính của Trung Quốc ở vị trí thấp hơn nhiều so với Mỹ, trong khi hệ thống tài chính quốc tế vẫn lấy USD làm trụ cột.
Năm 2016, đồng NDT được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế (SDR) của IMF, trở thành một trong 5 đồng tiền dự trữ toàn cầu, nhưng chênh lệch về ảnh hưởng quốc tế so với đồng USD vẫn rất lớn. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của Mỹ gấp khoảng 3 lần so với 2 sàn giao dịch chứng khoán lớn của Trung Quốc (Thượng Hải và Thâm Quyến). Chính vì vậy, Trung Quốc cần phải đẩy nhanh cải cách hệ thống tài chính.
Theo số liệu do Trung tâm giao dịch ngoại hối Trung Quốc công bố, tỷ giá hối đoái của đồng NDT so với đồng USD trong ngày 2/9 đạt mức 6,8376 NDT đổi 1 USD, tăng 122 điểm cơ bản so với ngày 1/9, tỷ giá đồng NDT tăng 7 ngày liên tiếp, đạt mức cao kỷ lục kể từ ngày 14/5/2019 (6,8365).
Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ giá đồng NDT tăng nhanh trong thời gian gần đây chủ yếu do: Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh, đi đầu trong khôi phục kinh tế; chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng hỗ trợ kinh tế thực phục hồi, duy trì thanh khoản dồi dào và hợp lý; dự trữ ngoại hối của Trung Quốc liên tục tăng trong 4 tháng, thu chi quốc tế và tỷ giá hối đoái bổ trợ cho nhau. Trong thời gian tới, đồng NDT sẽ tiếp tục tăng, nhưng biên độ tăng không mạnh, do triển vọng kinh tế toàn cầu tồn tại nhiều nhân tố không xác định, ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra nhu cầu mua đồng USD để tránh rủi ro trên toàn cầu vẫn chưa giảm.
Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo 3 rủi ro đối với việc NDT tăng giá: gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc; thu hút một lượng tiền “nóng” quốc tế đầu tư vào thị trường tài chính Trung Quốc có thể dẫn đến lạm phát hoặc gây bất ổn trên thị trường tài chính của nước này.
Về vốn đầu tư nước ngoài, mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc đã sửa đổi và ban hành “Biện pháp về công tác giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài”, có hiệu lực từ ngày 1/10/2020. Tài liệu này gồm 5 chương và 33 điều, cụ thể hóa các yêu cầu liên quan của Luật Đầu tư nước ngoài và Quy định thực hiện Luật đầu tư nước ngoài, hoàn thiện hệ thống khiếu nại đầu tư nước ngoài, chủ yếu tập trung vào các nội dung như: Mở rộng phạm vi khiếu nại; Kiện toàn cơ chế khiếu nại; Quy định rõ các quy tắc khiếu nại và coi trọng việc bảo vệ quyền và lợi ích của người khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại.