Hệ thống ngân hàng Trung Quốc yếu đi vì đại dịch

Theo Hồng Quân/thoibaonganhang.vn

Lợi nhuận tại các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã giảm ít nhất 10% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất được ghi nhận do các khoản nợ xấu tăng cao...

Đại dịch Covid-19 khiến các Ngân hàng Trung Quốc suy giảm doanh thu, lợi nhuận và gối đệm vốn. Nguồn: internet
Đại dịch Covid-19 khiến các Ngân hàng Trung Quốc suy giảm doanh thu, lợi nhuận và gối đệm vốn. Nguồn: internet

Áp lực gia tăng vào chỗ dựa quan trọng

Là chỗ dựa để giảm bớt khó khăn tài chính cho hàng triệu người và DN đang chịu tổn thương vì đại dịch Covid-19, nhưng áp lực đối với hệ thống Ngân hàng Trung Quốc cũng đang ngày càng gia tăng. Lợi nhuận sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất một thập kỷ qua, cùng với nợ xấu đã ở mức kỷ lục và các bộ đệm vốn đang bị xói mòn là những gì mà các ngân hàng Trung Quốc đã trải qua trong 6 tháng đầu năm. Các nhà điều hành ngân hàng và các chuyên gia phân tích dự đoán thiệt hại có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa cuối năm nay. Nếu đúng như vậy, điều này có nguy cơ gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong việc hỗ trợ nền kinh tế, cũng như cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong thực hiện các biện pháp kích thích tiếp theo. Nó cũng tạo ra các ảnh hưởng toàn cầu, với những nhà băng khổng lồ như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), hay Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc – những ngân hàng nằm trong danh sách các tập đoàn toàn cầu “quá lớn để thất bại”.

May Yan, người đứng đầu Bộ phận Tài chính Trung Quốc Đại lục của UBS Group AG, nhận định: “Chính phủ cần phải cân bằng giữa việc chấp nhận tổn thất của lĩnh vực ngân hàng để phục hồi kinh tế và duy trì sự ổn định tài chính. Lời kêu gọi phục vụ quốc gia từ các ngân hàng  lớn nhất sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Một hệ thống tài chính yếu kém là rất nguy hiểm cho quốc gia này”.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thương bởi sự bùng phát của Covid-19 và tranh chấp thương mại kéo dài với Hoa Kỳ, các khoản nợ xấu đã ở mức kỷ lục 2,7 nghìn tỷ NDT (395 tỷ USD) vào tháng 6 vừa qua, theo Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc. Đồng thời, tỷ lệ dự phòng đối với các khoản cho vay cũng đã giảm xuống nhanh chóng trong hai năm qua.

Hiện tỷ lệ nợ xấu tại 4 ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc - đo lường nợ xấu trong tổng dư nợ - đã tăng lên mức trung bình 1,45% vào cuối tháng 6, từ mức 1,26% so với cùng kỳ năm trước. Khả năng xây dựng vùng đệm vốn của các ngân hàng này cũng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Các nhà chức trách đã kêu gọi các NH chấp nhận hy sinh khoản lợi nhuận 1,5 nghìn tỷ NDT để cung cấp nguồn vốn cho vay giá rẻ, tăng cường cho vay đối với các DN nhỏ đang gặp khó khăn. Trong nỗ lực ứng phó với đại dịch, Trung Quốc cũng đã cho phép nhiều người đi vay được hoãn việc trả lãi và gốc đến tháng 3/2021, điều này có thể đang che giấu đi tình trạng phình lên thực sự của nợ xấu. Trong nửa đầu năm, lãi suất cho vay trung bình đối với các DN nhỏ giảm xuống chỉ còn 5,94%, giảm 76 điểm cơ bản so với năm ngoái. ICBC cho biết, các khoản cho vay của họ đạt mức 1 nghìn tỷ NDT trong nửa đầu năm, một mức cao kỷ lục, qua đó tạo ra một lượng lớn các khoản cho vay giá rẻ.

Ưu tiên nền tảng vốn vững chắc

Nhưng cho vay rẻ hơn và nhiều hơn đang làm xói mòn sức mạnh vốn của các ngân hàng. Mặc dù hiện vẫn đáp ứng các yêu cầu tối thiểu với tỷ suất lợi nhuận an toàn nhưng 4 ngân hàng lớn của Trung Quốc phải đối mặt với khoản thiếu hụt 220 tỷ USD để đáp ứng theo các quy định vốn toàn cầu dự kiến áp dụng vào đầu năm 2025, như Tổ chức xếp hạng S&P cho biết trong một báo cáo vào tháng trước. Theo S&P, khoảng cách đó có thể tăng lên hơn 900 tỷ USD trong vài năm tới khi các áp lực kinh tế đang đè nặng lên thu nhập của các ngân hàng.

Lợi nhuận tại các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã giảm ít nhất 10% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất được ghi nhận do các khoản nợ xấu tăng cao. Theo nhà phân tích Shujin Chen của Jefferies, trong trường hợp xấu nhất, các nhà băng của Trung Quốc có thể phải chấp nhận giảm lợi nhuận từ 20%-25% trong cả năm nay. Điều đó càng làm xói mòn vốn hơn nữa và thực sự là nguy cơ đối với ổn định tài chính.

Sự suy giảm về doanh thu, tỷ suất lợi nhuận và bộ đệm vốn của các ngân hàng cũng tác động tiêu cực tới nhìn nhận và quyết định của các NĐT. Cánh cửa cho các ngân hàng khai thác thị trường chứng khoán để có thêm vốn vì vậy cũng có thể bị khép lại. Hiện cổ phiếu của các ngân hàng  lớn nhất đang giao dịch ở mức thấp, chỉ bằng khoảng 55% so với giá trị sổ sách ước tính. Chuyên gia May Yan cho rằng, dư địa để cổ phiếu của các ngân hàng  giảm thêm không nhiều, song cũng không có yếu tố mang tính “kích hoạt lớn” để có thể giúp cổ phiếu tăng giá mạnh. Và không chỉ các ngân hàng  hoạt động chính thức và được quản lý chặt chẽ khiến các NĐT lo ngại mà hoạt động của khu vực ngân hàng “ngầm” tại Trung Quốc phục hồi trong thời gian vừa qua với khả năng tiếp cận vay dễ dàng cũng đang làm tăng đòn bẩy nợ của các hộ gia đình và trong nền kinh tế nói chung khi vốn đã dư thừa.

Câu hỏi đặt ra trong tâm trí mọi người hiện nay là Bắc Kinh có thể thúc đẩy ngành ngân hàng của mình đi tới đâu mà không gây ra các rủi ro nghiêm trọng. Đây cũng là vấn đề khiến các quan chức quản lý bận tâm. Xiao Yuanqi, người phát ngôn của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc trong một cuộc họp báo vào tuần trước khẳng định, bất kể diễn tiến của đại dịch và nền kinh tế như thế nào, cơ quan này sẽ đảm bảo các ngân hàng phải có một nền tảng vốn vững chắc. Cùng trong cuộc họp báo này, Liu Gaoqiang, Phó Thống đốc PBoC cho biết, NHTW đang làm việc với nhiều bộ phận khác nhau để đảm bảo các ngân hàng  có đủ vốn. Chuyên gia kinh tế Peiqian Liu thuộc Natwest Markets Plc tin tưởng, PBoC có đủ dư địa chính sách để tăng cường kích thích kinh tế và "các ngân hàng  không nên lo lắng họ sẽ một mình phải chịu gánh nặng hiện nay".