Trung Quốc có thành cường quốc kinh tế?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trung Quốc đang rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình và sẽ mãi là một quốc gia đang phát triển, chứ không thể gia nhập vào các quốc gia đã phát triển có một nền kinh tế hùng mạnh và an sinh xã hội tốt cho người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những quy luật dưới góc độ lý thuyết

Cố Giáo sư kinh tế học của Washington University in Saint Louis - Hymen Minsky (1919-1996) - là người Hoa Kỳ di dân từ Belarus (Nga) đã đưa ra lý thuyết “Chu kỳ khủng hoảng kinh tế” từ năm 1974, và ông đã viết lại tiểu phẩm ngắn về Lý thuyết mất cân bằng tài chính (Financial Instability Hypothesis).

Trong đó nhắc đến sự di chuyển chậm chạp từ ổn định đến khủng hoảng tài chính sau một thời gian dài tăng trưởng và đưa đến vỡ bong bóng đầu tư, kéo theo khủng hoảng kinh tế tài chính từ nợ quá mức ở ngân hàng, trong khi hàng hóa đầu tư ra đã bão hòa, không có khách hàng tiêu thụ. Và cái gọi là "thời điểm Minsky" đã được Paul McCulley đặt tên vào năm 1998, để mô tả khủng hoảng tài chính Nga năm 1998.

Để đi đến thời điểm Minsky, nền kinh tế phải đi qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, phát triển ổn định, các nhà đầu tư hứng khởi đầu tư vào một lĩnh vực được đánh giá là mang lại lợi nhuận to lớn. Giai đoạn 2 là đầu tư vào lĩnh vực này sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác.

Họ đẩy lên cao trào, tạo ra bong bóng giá và tan vỡ trong lĩnh vực ấy. Giai đoạn 3, là bong bóng giá vỡ kéo theo khủng hoảng tài chính. Có nghĩa là, trong lúc kinh tế phát triển thịnh vượng đã bắt đầu mầm mống của suy thoái do hành vi và thái độ của nhà đầu tư/đầu cơ.

Trường phái Tân cổ điển và ông Hymen Minsky thì không đồng ý nhau về cội nguồn của bất ổn tài chính. Theo trường phái Tân cổ điển thì, cội nguồn ấy nằm trong sự phức tạp của thị trường, và sự phức tạp ấy đến từ "sự sáng tạo" của kỹ thuật tài chính. Nhưng Hymen Minsky cho rằng, sự bất ổn ấy nằm trong chính bản chất của nền kinh tế thị trường tư bản tự do.

Nền kinh tế này luôn năng động và tạo cơ hội cũng như điều kiện cho các nhà đầu tư làm giàu. Chính vì thế Hymen Minsky đặt nền tảng của sự bất ổn nằm trong cấu trúc nợ của hệ thống tài chính và thái độ của nhà đầu tư/đầu cơ làm trọng tâm của mô hình kinh tế mỗi quốc gia.

Một khi lòng tham của các nhà đầu tư vượt quá sự thận trọng của đầu tư/đầu cơ, do nền kinh tế đang ổn định, cung chưa đủ đáp ứng cầu. Các nhà đầu tư đổ xô mượn nợ để đầu tư nóng vào lĩnh vực đang hái ra lời, mà họ quên đi điểm bão hòa giữa cung cầu.

Hậu quả là dẫn đến khủng hoảng tài chính, kết thúc bằng khủng hoảng kinh tế quốc gia kéo theo khu vực và toàn cầu, như khủng hoảng của khu vực châu Á 1997 và khủng hoảng toàn cầu bắt đầu từ Hoa Kỳ 2008.

Khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế thị trường tự do tư bản có chu kỳ cứ 7 -8 năm diễn ra một lần. Lúc đó, quy luật bàn tay vô hình - cung cầu - tự điều chỉnh để nền kinh tế bước sang một thời kỳ mới, bằng những thay đổi chính sách của các nhà kỹ trị. Chứ không phải ý chí của chính khách nắn nó theo ý mình như kinh tế xã hội chủ nghĩa, mà không theo quy luật cung cầu.

Hay nói cách khác, khủng hoảng kinh tế của các nền kinh tế thị trường tự do tư bản có nguồn gốc từ thái độ và hành vi đầu tư/đầu cơ của các nhà đầu tư/đầu cơ trong nền tài chính. Ngược lại, khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là do thúc đẩy các chính khách đầu tư/đầu cơ vô tội vạ.

Năm 1987, khi các chính khách Hàn Quốc thấy được nền chính trị quân phiệt độc tài đã giúp Hàn Quốc tự lực, tự cường, nhưng không làm cho Hàn Quốc thoát được bẫy thu nhập trung bình với GDP đầu người ỳ ạch ở con số 5.000 USD/năm. Họ đã mạnh dạn đổi hiến pháp và từ đó đến nay, Hàn Quốc thẳng tiến suốt 27 năm và đến nay GDP đầu người đạt con số 33.200 USD vào năm 2013.

Trong đó, có năm 1997, Hàn Quốc đi vào chu kỳ khủng hoảng kinh tế, song dân Hàn Quốc sẵn sàng góp vàng, tiền để chính phủ vượt qua sóng gió chỉ 1 năm sau phục hồi. Thậm chí, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 từ Hoa Kỳ cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc trong 9 năm qua, mà còn biến Hàn Quốc thành 1 trong 20 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới (G20). Quả là thần kỳ.

Trung Quốc liệu có là khuôn mẫu?

Đối với Trung Quốc, từ năm 2008 cho đến cuối năm 2013, với chính sách thắt chặt tiền tệ của ông Lý Khắc Cường trong hơn 6 tháng qua, nó bắt đầu có tác dụng, khi những công ty lớn của Trung Hoa bắt đầu tuyên bố mất khả năng thanh toán.

Ví dụ như Chaori Solar chuyên sản xuất và cung cấp pin mặt trời trên toàn cầu và trong nước. Đó là chưa nói đến nợ công của các chính phủ địa phương mất khả năng chi trả vì những đầu tư vào bất động sản để tạo ra hàng chục ngàn “thành phố Ma”.

Cũng vậy, với nợ tư trong nước của Trung Quốc lên đến 200% GDP và nợ công gấp hơn nhiều lần so với nợ tư, mà không ai có thể biết được con số chính xác, chúng sẽ là cái bẫy kéo lùi nền kinh tế Trung Hoa mãi nằm trong thu nhập trung bình.

Dù Trung Quốc có là nền kinh tế đứng thứ hai toàn cầu, nhưng quốc gia này sẽ mãi là nước đang phát triển thuộc thế giới thứ 3, chứ không thể vào được những quốc gia đang phát triển, với hệ thống an sinh xã hội đầy đủ như Hàn Quốc, thì sẽ chưa và không có ngày mai để so sánh với các cường quốc phương Tây!

Hãng tin Bloomberg trích dẫn báo cáo từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 15/4/2014 cho biết, tổng mức cho vay của nước này trong tháng 3/2014 đứng ở mức 2,07 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT), giảm 19% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thước đo cung tiền M2 tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn mức tăng 13,3% của tháng 2/2014 và ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001.

Đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm khoảng 2,7% kể từ đầu năm nay, mức giảm mạnh nhất trong số 11 đồng tiền châu Á. Một số động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nước này là đầu tư tài sản cố định và sản lượng công nghiệp đều tăng trưởng thấp hơn so với dự đoán.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc một mặt đang cố gắng kiềm chế tăng trưởng tín dụng và ngăn không để các vụ vỡ nợ gây xáo trộn cho thị trường tài chính, mặt khác lại nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay.

Theo một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered Plc, việc giảm đòn bẩy tài chính chắc chắn sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc, nhưng sẽ kìm hãm tăng trưởng của nước này trong thời gian trước mắt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ là một thách thức đối với cam kết của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là kiềm chế sự bùng nổ tín dụng và xử lý vấn đề ô nhiễm khi ngày càng có nguy cơ nước này không đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% đặt ra cho năm nay. Việc tiếp tục giảm tốc sẽ gây áp lực buộc chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường phải tăng thêm kích thích.

Trước đó trong tháng này, Chính phủ đã phải phác thảo ra một gói kích thích mini, trong đó dự định tăng cường đầu tư cho đường sắt và giảm thuế.

Hãy cứ nhìn những con số cụ thể, với diện tích gấp 96 lần; dân số gấp 27,6 lần; nhưng GDP của Trung Quốc chỉ gấp 8 lần Hàn Quốc và GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc gấp 3,39 lần so với dân Trung Quốc trong năm 2013. Hơn thế nữa, cùng là một nền khoa học kỹ thuật sao chép, mua bản quyền như Trung Hoa, nhưng tại sao Hàn Quốc lại có nền kinh tế mạnh đến như thế?

Trả lời hết tất cả những điều trên ta sẽ thấy Trung Hoa đang rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình và sẽ mãi là một quốc gia đang phát triển, chứ không thể gia nhập vào các quốc gia đã phát triển có một nền kinh tế hùng mạnh và an sinh xã hội tốt cho người dân.