Trung Quốc có thể cắt giảm cho vay theo sáng kiến Vành đai và Con đường

Theo Thu Thủy/congthuong.vn

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường của mình, coi đây là chìa khóa trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ cắt giảm các khoản đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nợ trong nước đang tăng lên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện chính sách, quy tắc và tiêu chuẩn với các đối tác của Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời tăng cường hợp tác hiệu quả về mặt cơ sở hạ tầng, công nghiệp, thương mại, đổi mới khoa học và công nghệ, sức khỏe cộng đồng và giao lưu” – ông Tập Cận Bình phát biểu tại APEC.

Giảm tốc đầu tư

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại vì nợ trong nước tăng lên do đại dịch Covid-19. Trong năm nay, số dự án Trung Quốc tham gia đã giảm cả về số lượng lẫn giá trị dự án.

Trong 9 tháng đầu năm, số lượng các thỏa thuận mà các công ty Trung Quốc ký tại 61 quốc gia đã giảm 29% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc. Giá trị hợp đồng trong 10 tháng đầu năm cũng giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có giảm bớt các hoạt động đầu tư quốc tế, đặc biệt là việc tài trợ cho dự án Vành đai và Con đường.

Theo một báo cáo của Viện tài chính Quốc tế (IIF) vào tuần trước, trong quý III năm nay, tổng nợ của Trung Quốc trong các lĩnh vực nợ chính phủ và các doanh nghiệp phi tài chính, nợ hộ gia đình đã lên đến gần 290% tổng GDP của nước này, tăng 255% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự án sẽ được tiếp tục

Kế hoạch Vành đai và Con đường đầy tham vọng được chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên trong chuyến thăm Kazakhstan năm 2013 với tên gọi “Một vành đai, Một con đường”. Đây là sáng

kiến kết nối hơn 70 quốc gia trên các lục địa Á, Âu, Phi thông qua việc xây dựng đường sắt, đường bộ, đường biển, từ đó hình thành Con đường Tơ lụa mới. Thông qua dự án, Bắc Kinh muốn thúc đẩy kết nối khu vực và hội nhập kinh tế, gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc chắc chắn sẽ không từ bỏ việc tài trợ cho dự án nhưng nước này có thể cắt giảm cho vay để ưu tiên nhu cầu trong nước và hướng tới cho vay bền vững.

Mặc dù không có số liệu chính thức về tổng số tiền Trung Quốc cho vay và đầu tư vào Sáng kiến Vành đai và Con đường nhưng theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv, trong quý đầu tiên của năm 2020, giá trị các dự án trong Vành đai và Con đường đã vượt qua mốc 4.000 tỷ USD, một con số kỷ lục. Trong số đó, 1.590 dự án trị giá 1,9 nghìn tỷ USD là các dự án vành đai và đường bộ; 1574 dự án khác với tổng giá trị 2,1 tỷ USD có sự tham gia của Trung Quốc.

Ngân hàng Thế giới ước tính từ năm 2013-2018, đã có khoảng 500 tỷ USD đổ vào các dự án vành đai và đường bộ tại 50 quốc gia đang phát triển. Trong đó, khoảng 300 tỷ USD được cho vay dưới tư cách nợ công và được bảo lãnh công khai.

“Trung Quốc cần chọn lọc hơn trong các dự án mà họ có thể tài trợ, đặc biệt là các dự án tại các nền kinh tế mới nổi.” - Bà Alicia Garcia - Herrero, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn tài chính Natixis khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Emre Tiftik, người đứng đầu nhóm nghiên cứu bền vững tại IIF cho biết Trung Quốc có khả năng tăng khoản hỗ trợ cho các quốc gia nằm trong Sáng kiến, vì vậy, việc nợ công của nước này tăng cao gần đây sẽ không thay đổi chính sách của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, IIF tin rằng Trung Quốc sẽ chú trọng hơn đến tính bền vững của dòng tiền.

“Như chúng tôi đã lưu ý vào đầu năm nay, gần một nửa số tiền đầu tư của Trung Quốc là vào các dự án tại các khu vực chịu rủi ro của biến đổi khí hậu. Trung Quốc cũng đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon ròng về 0 vào năm 2060. Do vậy, hình thức đầu tư liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng sẽ thay đổi.” – ông Emre phân tích.

Ông Kanyi Lui, chuyên gia về Sáng kiến Vành đai và Con đường của công ty luật quốc tế Pinsent Masons, cho biết mặc dù chắc chắn tốc độ cho vay giảm lại do đại dịch nhưng ông tin đây nợ công tăng cao tại Trung Quốc không phải là lý do chính.

“Một số lượng lớn các khoản vay trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường ngay lập tức được chuyển đổi thành hàng hóa và / hoặc dịch vụ của Trung Quốc khi giải ngân.” - ông nói.

Tốc độ tăng nợ nội địa của Trung Quốc từ năm 2008 vào khoảng 20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nước này. Vào tháng 11 năm 2008, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 586 tỷ USD) trong hai năm nhằm giảm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự kích thích đó đã nhanh chóng giúp Trung Quốc phục hồi tăng trưởng, nhưng cũng thúc đẩy sự bùng nổ tín dụng trong nước.