Trung Quốc công bố các "vũ khí" mới để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây

Theo Hoàng An/nhadautu.vn/South China Morning Post

Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc - cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua luật chống trừng phạt mới nhằm tăng khả năng hỗ trợ và bảo vệ pháp lý cho các biện pháp trả đũa của nước này trước các hành động trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngưng. Ảnh minh họa của AP
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngưng. Ảnh minh họa của AP

Truyền thông của Trung Quốc tối thứ Hai đã công bố động thái mới nhất của Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPC) nhằm chống lại việc Hoa Kỳ và các đồng minh đang gây áp lực lên Bắc Kinh trước các vấn đề như quyền tự do của Hong Kong và cách đối xử của người Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Đài Truyền hình nhà nước của Trung Quốc CCTV đưa tin rằng bộ luật mới của Trung Quốc sẽ "cung cấp các cơ sở pháp lý để chính quyền trung ương Trung Quốc thực hiện các biện pháp trả đũa đối với các lệnh trừng phạt của nước ngoài, nhưng lại không đi sâu vào chi tiết của bộ luật mới này", tờ SCMP bình luận.

Nỗ lực thông qua một bộ luật như vậy đã diễn ra sau khi Trung Quốc hồi đầu năm nay áp đặt các quy định mới để 'chống lại các hành động phi lý của nước ngoài đối với công dân và doanh nghiệp của Trung Quốc'.

Bắc Kinh cho biết các quy định này nhằm "bảo vệ lợi ích quốc gia" khi nước này đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty công nghệ và quan chức của Trung Quốc.

Trong tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã tiết lộ "các biện pháp được sử dụng nhằm chống lại việc áp dụng không hợp lý các luật nước ngoài". Đây được coi là phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc trước việc Washington áp dụng quyền tài phán dài hạn cho phép Mỹ truy tố các thực thể có liên hệ với chính quyền ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc các bộ luật chưa đưa ra được các điều khoản chi tiết sẽ gây khó cho việc áp dụng ngay lập tức các bộ luật này vào thực tế.

Thông báo hôm thứ Hai cho thấy bộ luật mới được xây dựng dựa trên các cơ sở thực tế và mang lại giá trị pháp lý cho các quy định 'đánh chặn' mà Trung Quốc tiết lộ hồi tháng 1, cho phép các bên bị thiệt hại trước các lệnh trừng phạt của nước ngoài có thể báo cáo thiệt hại tới Bộ Thương mại Trung Quốc và kiện đòi bồi thường tại các tòa án của Trung Quốc.

Hàng loạt các công ty của Trung Quốc, đặc biệt là tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei thời gian qua đã phải chịu các hạn chế khiến nhiều thành phần quan trọng được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Dự luật chống trừng phạt cuối cùng đã được đưa ra vào hôm thứ Hai, sau phiên khai mạc của Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc , và luật này dự kiến sẽ được thông qua vào phiên họp thứ Năm tới.

Shi Yinhong - một nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung, cho biết Bắc Kinh cần có một bộ luật như vậy để tăng cường khả năng chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài vào thời điểm mà mối quan hệ đối địch với Washington và các đồng minh của họ dường như chưa giảm bớt và có khả năng sẽ còn tiếp tục.

"Sau khi có bộ luật này, khả năng Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt ngược sẽ gia tăng dù nước này cần thêm thời gian để hoàn thiện bộ luật mới để xác định rõ rằng hơn các mục tiêu và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế", ông Shi nói. 

Về phần mình, giáo sư Song Sio-chong thuộc Trung tâm Luật cơ bản Hong Kong và Macao của Đại học Thâm Quyến cho rằng bộ luật mới sẽ giúp Trung Quốc thực hiện các đòn trả đũa trước các đối thủ phương Tây cho dù hiện nay người ta vẫn nghi ngờ về tính hợp pháp của các hành động đó.

"Tôi tin là luật mới sẽ giúp Bắc Kinh đánh trả, bất kể việc các đối thủ của nước này có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không", giáo sư Song nói.

Còn Lau Siu-kai, Phó Chủ tịch Tổ chức tư vấn bán chính thức của Hiệp hội Nghiên cứu Hong Kong và Ma Cao, cho biết Bắc Kinh đang cố gắng bắt kịp các đối thủ phương Tây về các luật liên quan đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế.

"Hoa Kỳ có đủ các bộ luật, chẳng hạn như đạo luật Magnitsky cho phép họ áp đặt các lệnh trừng phạt, thu giữ hoặc đóng băng tài sản của các cá nhân, và giờ thì Trung Quốc cũng muốn nâng cấp các công cụ luật pháp cho riêng mình", ông Lau cho biết.

Trong thông báo vào tối thứ Hai, Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc lưu ý rằng: "Để bảo vệ chủ quyền, phẩm giá và lợi ích cốt lõi quốc gia, cũng như để chống lại 'chủ nghĩa bá quyền và các quyền lực chính trị', Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp để trả đũa các lệnh trừng phạt (của Mỹ và phương Tây)".

"Nhằm thao túng chính trị và áp đặt các định kiến về ý thức hệ, một số nước phương Tây đã sử dụng những vấn đề liên quan tới Tân Cương và Hong Kong làm tiền đề để vu cáo và đàn áp Trung Quốc... [Họ] áp đặt cái gọi là biện pháp trừng phạt để can thiệp một cách tàn bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc", đài truyền hình CCTV nhấn mạnh. 

CCTV cũng tiết lộ rằng kể từ các phiên họp thường niên của cơ quan lập pháp và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc vào tháng 3, các nhà lập pháp và cố vấn đã đưa ra ý tưởng ban hành luật chống trừng phạt.

“Một số đại biểu NPC và đại biểu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, và những người từ nhiều lĩnh vực khác nhau đưa ra đề xuất rằng Trung Quốc cần phải ban hành luật để chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài, đồng thời cung cấp các hỗ trợ pháp lý mạnh mẽ và đảm bảo cho các biện pháp đối phó của Trung Quốc trước các lệnh trừng phạt của nước ngoài", đài CCTV nhấn mạnh.

Kể từ khi luật an ninh quốc gia được thông qua vào năm ngoái, Hong Kong đã trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt nước ngoài. Washington đã trừng phạt nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam, cảnh sát trưởng Hong Kong và một số bộ trưởng cấp cao khác, và cáo buộc họ làm suy yếu quyền tự trị củaHong Kong khi thông qua đạo luật.

Những người bị trừng phạt đã bị đóng băng tài sản liên kết của họ với Hoa Kỳ và kết quả là họ bị đóng cửa trước hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong những tháng gần đây, Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada và Anh cũng đã trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc về cái mà họ gọi là chính sách “áp bức” của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đi lại và tài sản đối với các cá nhân nước ngoài - bao gồm một số nhà lập pháp của các nước châu Âu và các học giả đã “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc và truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch một cách ác ý”.

Jiang Liu, một đối tác tại văn phòng công ty luật Morrison & Foerster ở New York, cho biết hiệu quả của quy chế ngăn chặn của Trung Quốc cuối cùng sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế nước này.

"Từ kinh nghiệm về quy chế chặn của EU, nhằm bảo vệ các công ty EU khỏi việc áp dụng luật của nước thứ ba ngoài lãnh thổ, các công ty bị ảnh hưởng có thể quyết định ngừng kinh doanh với các thực thể bị Hoa Kỳ trừng phạt để điều hướng theo hai chế độ pháp lý. Trong trường hợp của Trung Quốc, điều này vẫn còn phải xem xét", ông Liu nói.

“Nhưng một hậu quả không thể tránh khỏi của các quy chế ngăn chặn là khả năng gia tăng đáng kể chi phí tuân thủ và kinh doanh, đặc biệt là đối với các công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh ở cả hai phía [khu vực]", ông Liu nhấn mạnh.