Trung Quốc đang thắng trong cuộc thương chiến với ông Trump
Ngôn từ xác đáng dành cho cuộc thương chiến Mỹ - Trung hiện tại không phải là "Nghệ thuật đàm phán" của ông Trump mà là "Nghệ thuật chiến tranh - Binh pháp" của Tôn Vũ từ 2.000 năm trước.
Điều này có lý hơn sau cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung kéo dài 2 ngày mới đây tại Washington, ông Donald Trump tuyên bố việc giai đoạn một của cuộc đàm phán về thương mại Mỹ - Trung gần như đã đạt được sẽ giúp Mỹ lùi việc áp các mức thuế quan mới lên hàng hóa của Trung Quốc.
Trước đó, theo Wall Street Journal, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã đưa ra báo cáo vào ngày 19/9 rằng "tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang ở mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, với đầu tư và thương mại bị cản trở bởi tranh chấp leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gây ra thiệt hạu nhiều hơn trong những năm sau".
Đây không phải là tin tốt với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi mà ông đang chuẩn bị bước vào cuộc tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo vào năm sau. Tổng thống Hubert Hoover là tổng thống chơi con bài "áp thuế" và đã ký Luật Thuế quan Smoot-Hawley đã phải trả giá đắt khi tái tranh cử năm 1932.
Ông Trump có vẻ như đã quá muộn khi tìm đường thoát khỏi con dốc trong chiến lược "cứng rắn với Trung Quốc" của mình. Câu hỏi lớn hiện tại là: Liệu Bắc Kinh có động lực nào để giúp đỡ Tổng thống Mỹ hay sẽ chơi trò "chờ đợi" để có được một thỏa thuận tốt hơn với một ứng viên tổng thống tiềm năm của Đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử năm 2020?
Phong cách đàm phán dằng dai của ông Trump có vẻ khiến ông đang bị lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Khi chiến lược chính trị của tổng thống Mỹ dựa vào "cú đòn với Trung Quốc", thì điều này liệu có khiến ông phải sa lầy trong kết quả kinh tế tồi tệ?
Phong cách đàm phán của ông Trump thể hiện rõ rệt nhất trong quyển sách ông viết vào những năm 1980 mang tên Nghệ thuật Đàm phán, với những cách xử lý trong thị trường bất động sản tại New York - Xác định những điểm yếu của địch thủ và chơi đùa với nó. Trong đó, cũng có yếu tố gây hấn kịch liệt khi đẩy các vấn đề đến bờ vực và sau đó kéo nó lại, với hy vọng tiến trình này sẽ hăm dọa địch thủ, khiến họ chấp nhận một thỏa thuận mà ta có lợi hơn họ.
Phong cách đàm phán này được tổng kết trong sách của ông Trump như sau: "Phong cách đạt được thỏa thuận của tôi rất đơn giản và đằng thẳng. Tôi nhắm rất cao, sau đó tôi ép buộc, ép buộc và ép buộc cho đến khi đạt được mục đích".
Không hề khiếm tốn, ông Trump đã quả quyết trong quyển Nghệ thuật Đàm phán rằng ông "đã đọc hàng trăm quyển sách về Trung Quốc trong nhiều thập kỷ". Ông tuyên bố: "Tôi hiểu người Trung Quốc"; "Tôi đã kiếm rất nhiều tiền từ Trung Quốc. Tôi hiểu tư duy của người Trung Quốc".
Tuy nhiên, phương thức đàm phán của người Trung Quốc rất khác biệt. Dù những lãnh đạo tại Bắc Kinh có phần cực đoan nhưng họ sẵn sàng thay đổi khi cần thiết. Có văn hóa cúi đầu để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng một cách riêng tư theo lễ kiểu "uống trà". Hầu hết những nhà đàm phán Trung Quốc đều là những kẻ sừng sỏ bẩm sinh. Họ muốn đàm phán theo cách "ăn miếng trả miếng" nhưng vẫn giữ chừng mực để cả 2 phe đều có thể thoái lui và "giữ được mặt mũi".
Cựu quan chức ngoại giao Mỹ Dennis P. Halpin (tác giả bài viết), từng làm tổng lãnh sự tại Bắc Kinh kể về vụ đàm phán với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề visa cho một người Mỹ gốc Trung nổi tiếng muốn về thăm thân nhưng bị cấm vì những hoạt động nhân quyền. Ông Halpin đã có đàm phán bí mật với người Trung Quốc và công dân Mỹ này đã có được visa để thăm người bác sắp mất.
Ngược lại, cách xử lý của ông Trump với những dòng tweet khoa trương, cùng sự thay đổi 180 độ trong những đòi hỏi khi đàm phán làm rất nhiều người Trung Quốc nhớ lại thời kỳ phương Tây áp bức đất nước Trung Hoa một cách dã man, từng được gọi là "100 năm bẽ mặt". Rất nhiều người Trung Quốc chưa quên được câu nói của ông Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn vào ngày 1/10/1949 khi thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng: "Người Trung Quốc đã đứng lên!"
Và sự khuất phục phương Tây sẽ không phải là lựa chọn của ông Tập Cận Bình. Khi tác giả Dennis P. Halpin hỏi một người bạn Trung Quốc rằng liệu sẽ có những cuộc biểu tình nếu ông Tập Cận Bình nhượng bộ ông Trump hay không? Bạn ông đã trả lời: "Không cần thiết đến điều đó... Các vị tướng sẽ xử lý những ai phản bội đất mẹ".
Sự tin tưởng của những lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ có thể thắng kiểu đàm phán mang phong cách bàn tay sắt của ông đến từ một khái niệm của Trung Quốc là "ăn trái đắng". Khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu trong một cuộc chiến lớn và phân ly sau 3 thập kỷ gắn kết, thiệt hại về kinh tế sẽ đánh vào cả 2 phía Thái Bình Dương.
Lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng gần 1/3 dân số Trung Quốc, là khoảng 400-500 triệu người dân tại các thành phố ven biển có thể chịu đựng được gian khổ khi "ăn trái đắng" hơn là những người dân Mỹ mềm yếu. Họ thấy người dân Trung Quốc đã chịu đựng gần 1 thế kỷ bị xâm lược, bị nạn đói, nội chiến và cách mạng sau khi Trung Quốc rơi từ đỉnh cao là một nước giàu có nhất thế giới trong thời kỳ Cách mạng Mỹ.
Vậy thêm một sự khắc khổ của cuộc thương chiến với người Mỹ vào sự cay đắng mà nông dân và giải cấp vô sản Trung Quốc đã chịu đựng thì có đáng gì?
Và Bắc Kinh đã có chiến lược đánh trả lại ông Trump một cách "đau" nhất. Họ hướng vào việc đối đầu thuế quan ở hạng mục mà những người nông dân ủng hộ Trump và bỏ phiếu cho ông phải gánh chịu như các cử tri tại Iowa và Wisconsin - Hai bang thiết yếu trong chiến dịch tái cử của tổng thống Mỹ.
Một khối cử tri thiết yếu thứ 2 là "những bà mẹ Wal-Mart". Họ phải đối đầu với mức thuế tăng cao cho những sản phẩm được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc hay những nhà sản xuất châu Á và cả Mỹ phải lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm của mình tại các xí nghiệp Trung Quốc.
Trong dòng tweet vào hồi tháng 8, ông Trump đã tuyên bố: "Các công ty lớn của Mỹ đang được yêu cầu ngay lập tức tìm kiếm sự thay thế Trung Quốc, bao gồm cả việc mang các công ty của chúng ta về nước và tạo ra các sản phẩm tại Mỹ. Chúng ta không cần Trung Quốc mà thực ra sẽ tốt hơn nhiều nếu không có họ".
Tuy nhiên, thôi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mất thời gian và cần tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, giá cả tăng cao vì thuế sẽ tấn công trực tiếp vào tầng lớp người lao động đang ủng hộ ông Trump.
Một vài người ủng hộ ông Trump như Thượng nghị sỹ bang Arkansas Tom Cotton đã giảm thiếu cái giá về mặt chính trị khi tổng thống Mỹ khởi động thương chiến với Trung Quốc. Vào ngày 13/5, trên bản tin buổi sáng của CBS, ông Cotton đã nói rằng:
"Thuế quan đang bắt đầu ngừng gây thiệt hại cho cả người Trung Quốc và người Mỹ, tôi đảm bảo điều đó. Tôi nghĩ thuế gây thiệt hại với Trung Quốc nhiều hơn là với Mỹ, một phần bởi các công ty và chính phủ Trung Quốc đã lừa dối Mỹ rất lâu rồi. Sẽ có vài sự hy sinh của những người Mỹ, tôi đảm bảo điều đó, nhưng tôi cũng nói rằng sự thiệt hại này sẽ rất nhỏ so với sự hy sinh mà những người lính của chúng ta phải chịu ở nước ngoài..."
Vậy liệu những người nông dân Mỹ có tiếp tục ủng hộ ông Trump một cách tích cực như hy vọng của Cotton hay họ sẽ trở thành "những người lính xán lạn từ bỏ việc phục vụ tổ quốc" như lời của nhà chính trị Thomas Paine - đặc biệt là khi họ thấy giá đậu nành tuộc dốc sau vụ mùa xuân năm ngoái?
Ngày 30/8, tờ Milwaukee Journal Sentinel giật tít: "Cả 2 phe bầu cử năm 2020 đều đang theo dõi các trang trại trên đất nước để chứng kiến thất bại chính trị từ thuế quan của Trump". Điều này phản ánh những hồ nghi thực chất về khẳng định của ông Cotton rằng nông dân Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng người đàn ông của mình.
Bài viết là sự báo động đáng quan ngại với tổng thống Mỹ và những người ủng hộ ông. Tờ báo viết "với sự mất mát của cuộc thương chiến trừng phạt, những người nông dân khó khăn trở thành gương mặt trung tâm cho những rắc rối lớn trên chiến trường Wisconsin". Thiếu đi Wisconsin, bang đã bầu cho một ứng viên Cộng hòa làm tổng thống lần đầu tiên kể từ năm 1984, khe hẹp để ông Trump tái đắc cử là điều bất khả.
Với vấn đề đậu nành và thịt lợn tại bang Iowa, nơi mà ông Trump đã giành được phiếu sau 2 chiến thắng của Obama tại bang này - thế tiến thoái lưỡng nan càng trở nên rõ ràng. Dù ông Trump có ghi điểm khi chống lại Trung Quốc trong chiến trận thuế quan, những cuộc chiến như vậy cũng có thể khiến ông bị thua trong trận chiến toàn diện với Đảng Dân chủ để giữ được Nhà Trắng.
Ngôn từ xác đáng dành cho thương chiến Mỹ - Trung hiện tại không phải là "Nghệ thuật đàm phán" của ông Trump mà là "Binh pháp" của Tôn Vũ từ 2.000 năm trước. Tôn Vũ đã viết: "Nếu đối phương nóng vội hãy tìm cách chọc tức. Giả yếu, địch thủ sẽ càng kiêu ngạo hơn".