Trung Quốc khó lòng từ bỏ "Made in China 2025"

Theo Thái Duy/doanhnhansaigon.vn

Tuy Bắc Kinh từ bỏ khẩu hiệu “Made in China 2025”, các chính sách của kế hoạch cũ vẫn được giữ nguyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong gần 100 phút phát biểu tại Đại hội Nhân dân toàn quốc ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lược bỏ tất cả các đề cập liên quan đến kế hoạch phát triển công nghiệp trong vòng 10 năm, tức kế hoạch sản xuất “Made in China 2025”.

Kế hoạch này từng bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích là một gói chính sách “nhồi” trợ cấp để giúp Trung Quốc dẫn đầu nền công nghệ toàn cầu, bằng chi phí do Mỹ phải bỏ ra.

Đây cũng là chính sách được ông Lý đều đặn nhấn mạnh trong suốt ba năm qua. Thế nhưng năm nay, ông Lý chỉ phát biểu rằng chính phủ ủng hộ tăng trưởng sản xuất.

Wall Street Journal cho biết Thủ tướng Trung Quốc liệt kê một danh sách các ngành công nghiệp mới cần được vun đắp, trong đó bao gồm công nghệ thông tin thế hệ mới, thiết bị công nghệ cao, công nghệ y sinh và ngành ô tô năng lượng mới. Tất cả những ngành này đều nằm trong kế hoạch “Made in China 2025”, cùng một mục tiêu tương tự “Buy China” – Mua hàng Trung Quốc.

Phát biểu trước gần 3.000 đại biểu, ông Lý cho biết chính phủ sẽ “tăng tốc nhằm giúp ngành sản xuất của Trung Quốc mạnh mẽ hơn”. Theo ông, Bắc Kinh sẽ “cổ vũ người tiêu dùng nội địa và nước ngoài chọn dùng sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc”.

Khi Trung Quốc và Mỹ ngày càng gần đạt được thỏa thuận kết thúc cuộc chiến thương mại, phát biểu của ông Lý dường như càng khiến một số quan chức Washington nghi ngờ độ chân thành của Bắc Kinh.

Theo Wall Street Journal, họ nghi ngại rằng chính quyền Tập Cận Bình sẽ không tuân theo yêu cầu thay đổi mô hình kinh tế dựa vào nhà nước của họ, và Mỹ cuối cùng sẽ nhận được một thỏa thuận tồi.

Chuyên gia kinh tế Eswar Prasad của đại học Cornell nhận định “đây chính xác là kiểu chính sách được cơ cấu mà những người cứng rắn trong chính quyền Trump không tin Trung Quốc thay đổi”.

Ông Prasad, người từng tư vấn cho một số lãnh đạo Trung Quốc, cũng nói rằng các phát biểu trong kỳ đại hội lần này “gần như xác nhận những lo ngại” của Mỹ.

Dưới áp lực từ Washington, Bắc Kinh đã đồng ý thay thế “Made in China 2025” bằng một chương trình mới, hứa hẹn các doanh nghiệp ngoại được tiếp cận thị trường nội địa dễ dàng hơn. Ngoài ra, các chính quyền địa phương bị cấm ưu tiên doanh nghiệp quốc doanh hơn các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, hiện vẫn rất ít tín hiệu cho thấy chính sách mới trên sẽ giảm trợ cấp cho các công ty và lĩnh vực sản xuất được ưu tiên.

Báo cáo ngân sách của Bộ Tài chính Trung Quốc năm 2019 cho thấy cơ quan này sẽ “đầu tư toàn bộ cho các quỹ của chính phủ” nhằm cổ vũ hoạt động sản xuất chất lượng cao, cũng như sẽ “hướng vốn và nguồn lực tới các lĩnh vực trọng yếu về chiến lược”.

Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của viện CSIS, Scott Kennedy, cho rằng “Trung Quốc có chính sách công nghiệp từ trước ‘Made in China 2025’ rất lâu và sẽ tiếp tục duy trì chúng rất lâu sau khi ‘Made in China 2025’ bị chôn vùi”. Ông ví von: “Điều chúng ta có bây giờ chỉ là rượu cũ bình mới”.

Trên khắp Trung Quốc, chính quyền địa phương đã đưa ra chính sách nhằm nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới, như dữ liệu lớn (Big Data), thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI). Điển hình, phía đông tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đặt mục tiêu tăng đầu ra sản xuất robot ứng dụng và AI thêm 15% mỗi năm trong hai năm tới.

Một quan chức chính quyền địa phương cho hay: “Chúng tôi được yêu cầu không nhắc tới ‘Made in China 2025’ nữa vì người Mỹ không thích điều đó. Nhưng đương nhiên chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng”.

Dù vậy, trong chính phủ Trung Quốc, nhiều quan chức bắt đầu nghi ngờ về sự hiệu quả của chính sách công nghiệp do nhà nước hỗ trợ này. Cụ thể, họ đang nhắm tới cơn lũ của các gói vay giá rẻ mà chính phủ Trung Quốc tung ra cho các nhà sản xuất pin cho ngành công nghiệp xe điện. Động thái này đã dẫn tới tình trạng thừa cung nghiêm trọng.

Wall Street Journal nhận định việc buộc Bắc Kinh quay lưng khỏi mô hình kinh tế của họ được đánh giá là một cuộc chiến đang leo thang. Đặc biệt, ông Tập đang tìm cách gạt bỏ các cáo buộc rằng Trung Quốc chiều lòng quá nhiều yêu cầu của Mỹ.