Trung Quốc sẽ dẫn dắt xu hướng phát triển mạng 5G

Theo Lê Trung Kiên/bnews.vn

Trung Quốc sẽ thống lĩnh mạng 5G nhờ quyết tâm dẫn dắt sự phát triển công nghệ, sự nổi lên nhanh chóng của Huawei, và tốc độ nâng cấp cực nhanh lên mạng 4G của người dùng tại đất nước này.

Trung Quốc sẽ thống lĩnh mạng 5G nhờ quyết tâm dẫn dắt sự phát triển công nghệ. Nguồn: internet
Trung Quốc sẽ thống lĩnh mạng 5G nhờ quyết tâm dẫn dắt sự phát triển công nghệ. Nguồn: internet

Trung Quốc gần đây liên tục đưa ra những thông điệp thể hiện quyết tâm dẫn dắt xu hướng phát triển công nghệ thông tin di động thế hệ mới. Theo giới quan sát, những động thái này cho thấy sự thay đổi lớn về chính sách so với nhiều năm trước đây, khi nước này thường tỏ ra chậm chân hơn so với xu hướng chung của thế giới.

Một trong những tín hiệu mới nhất được phát đi từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) vào ngày 23/11 vừa qua khi bộ này tuyên bố chính thức khởi động giai đoạn 3 của chương trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ 5G, được kỳ vọng sẽ có thể thay thế mạng 4G hiện nay trên thị trường toàn cầu kể từ năm 2019.

Mục đích của các cuộc thử nghiệm mới, theo MIIT, là nhằm tăng tốc quá trình thương mại hoá công nghệ 5G của Trung Quốc, với tốc độ truyền tải dữ liệu có thể lên tới 100 MB/giây tại các thành phố lớn. Công nghệ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các dịch vụ như video streaming và mở đường cho việc phát triển cho những dịch vụ mới với yêu cầu nền tảng công nghệ dữ liệu lớn.

MIIT nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm mới sẽ khuyến khích công tác nghiên cứu, phát triển, tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự công nhận dịch vụ 5G thương mại và đóng góp vào sự tiến bộ trên toàn cầu của công nghệ 5G cũng như sự phát triển của ngành công nghệ thông tin.

Trong một diễn biến gây chú ý khác, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc ngày 24/11 đưa tin ba công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom đều dự định tung ra các phiên bản thương mại của mạng di động 5G vào năm tới và bắt đầu mở rộng phạm vi phủ sóng của dịch vụ.

Theo nhà phân tích Edison Lee, trưởng bộ phận nghiên cứu viễn thông của ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ), những động thái nói trên là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ Trung Quốc nhằm thương mại hoá mạng 5G ngay trong năm 2020.

Ông cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự chậm trễ của Trung Quốc trước đây trong việc phát triển công nghệ thông tin di động là sự bảo thủ của MIIT bởi bộ này luôn chờ đợi đến khi công nghệ phát triển đầy đủ mới triển khai các quyết định đầu tư lớn, thường có tổng giá trị lên tới trên 100 tỷ USD đối với cả China Mobile, China Unicom và China Telecom. Ông dự báo cả 3 doanh nghiệp này sẽ đầu tư tổng cộng 180 tỷ USD vào mạng 5G trong 10 năm tới.

Trung Quốc đã và đang tìm kiếm tiếng nói có trọng lượng hơn trong quá trình phát triển các công nghệ 5G sau khi có được số nhà chế tạo thiết bị mạng hàng đầu thế giới, trong đó đáng chú nhất là Huawei Technologies Co. Ltd., và phát triển thành thị trường di động lớn nhất thế giới với khoảng 1,3 tỷ thuê bao.

Điều này mở ra cơ hội giúp các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển những công nghệ mới để ứng dụng ngay trên chính các thiết bị và sản phẩm tiêu dùng của họ cũng như các doanh nghiệp khác.

Người ta cho rằng động thái trên của Trung Quốc là nhằm giành lấy ảnh hưởng lớn hơn trong hoạt động phát triển các công nghệ mới.

Theo ông Edison Lee, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia thiết lập tiêu chuẩn viễn thông toàn cầu. Và với những đóng góp tích cực hiện nay của các doanh nghiệp Trung Quốc, nước này nhiều khả năng sẽ sở hữu phần lớn trong bản quyền sáng chế lớn mạng 5G, khoảng 15% đến 20%.

Điều đó sẽ giúp Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, Trung Quốc hiện có những kế hoạch đầy tham vọng trong việc sử dụng mạng 5G để cung cấp các dịch vụ Mạng lưới vạn vật kết nối Internet Công nghiệp, ứng dụng điện toán đám mây và dữ liệu lớn cho tất cả các ngành công nghiệp quan trọng.

Theo báo cáo chuyên ngành được Công ty phân tích, tư vấn và thông tin thị trường CCS Insight, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), công bố vào tháng 10/2017, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những quốc gia triển khai mạng 5G nhanh nhất với hơn 50% tổng số thuê bao trên toàn cầu vào năm 2022.

Mặc dù các quốc gia khác sẽ nhanh chóng vươn lên song nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ chiếm giữ tới 40% tổng số kết nối mạng 5G vào năm 2025.

Nhà nghiên cứu Marina Koytcheva của CCS cho rằng vai trò của Trung Quốc đối với mạng 5G sẽ lớn hơn rất nhiều so với những đóng góp hiện nay của nước này đối với mạng 4G.

Trung Quốc sẽ thống lĩnh mạng 5G nhờ quyết tâm dẫn dắt sự phát triển công nghệ, sự nổi lên nhanh chóng của Huawei, và tốc độ nâng cấp cực nhanh lên mạng 4G của người dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian qua.