Trung Quốc sẽ duy trì chính sách kinh tế trung lập?
(Tài chính) Cho đến lúc này có thể khẳng định, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5% năm 2013 đã nằm trong tầm tay.
Khó có nới lỏng thêm
Khả năng một chu kỳ kích thích tài khóa mới trong quý IV/2013 sẽ ít có khả năng xảy ra. Số liệu tăng trưởng kinh tế 7,7% trong quý III công bố tuần trước về cơ bản đúng như nhiều dự báo đưa ra trước đó. Theo báo cáo Langrun Forecast do Trường Nghiên cứu phát triển Quốc gia (NSD) thuộc Đại học Bắc Kinh vừa công bố, yếu tố chủ yếu giúp GDP quý III tăng trưởng mạnh hơn quý trước là nhờ nhu cầu nội địa tăng.
Đối mặt với tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp, chẳng hạn như giản tiện công tác quản lý và giao nhiều quyền hơn cho cấp dưới để tạo thuận lợi thương mại và đầu tư; tự do hóa một số lãi suất… Cho đến lúc này có thể khẳng định, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5% năm 2013 đã nằm trong tầm tay.
Tuy nhiên, NSD cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc dường như chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại trong dài hạn. Với dự báo GDP tăng trưởng 7,5% trong quý IV, nghiên cứu của NSD cũng nhận định lạm phát quý này sẽ ở mức 3,1%.
“Khi ở mức trên 3% thì áp lực của lạm phát cũng đã xuất hiện và Chính phủ nhiều khả năng sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT)” - Song Guoqing, một thành viên của Ủy ban CSTT thuộc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) nhận định.
Theo ông Lu Ting, kinh tế gia trưởng tại Trung Quốc của Bank of America Merrill Lynch, việc PBoC điều chỉnh lại quyết định “thiếu thận trọng” trên thị trường liên ngân hàng vào tháng 6, theo đó PBoC từ chối không bơm tiền cho thị trường liên ngân hàng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền của các ngân hàng và buộc các ngân hàng phải thay đổi hoạt động cho vay, đã khiến tín dụng tăng trở lại trong quý III vừa qua. Tuy nhiên PBoC hiện đã sẵn sàng để quay trở lại một trạng thái "thận trọng".
Trong một thông báo đưa ra ngày 16/10, PBoC khẳng định các số liệu kinh tế vĩ mô gần đây cho thấy tăng trưởng đã quay lại trạng thái ổn định. Tuy nhiên, họ cũng nêu ra những quan ngại rằng, tăng trưởng tín dụng (TTTD) đã “tăng khá nhanh” trong thời gian vừa qua và đang cân nhắc lại về khả năng lặp lại trạng thái “thận trọng” chính sách.
PBoC cho biết, cho vay mới bằng đồng Nhân dân tệ (Yuan) trong 3 quý vừa qua đạt 7,28 nghìn tỷ (tương đương 1,18 nghìn tỷ USD), tăng 577 tỷ Yuan so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cho vay cao thứ 2 trong lịch sử cho vay của nước này, chỉ sau mức 8,67 nghìn tỷ Yuan của 3 quý đầu năm 2009. Riêng trong tháng 9 vừa qua, tăng trưởng cho vay là 787 tỷ Yuan, tăng 164,4 tỷ Yuan so với cùng kỳ năm trước.
Tốt nhất là chính sách trung lập
“Chúng tôi kỳ vọng PBoC sẽ dần chuyển nhẹ từ CSTT khá nới lỏng trong quý III sang một chính sách mang tính trung lập hơn. Theo đó, sẽ không có nới lỏng thêm nhưng cũng sẽ không có thắt chặt” - ông Lu Ting nói. Chuyên gia này cũng cho rằng: “Một số nhà kinh tế Phố Wall có thể kêu gọi thắt chặt, nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều đó là quá sớm.
Quan điểm này của chúng tôi dựa trên sự phục hồi trong quý III/2013, lạm phát tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn mức trần chính thức 3,5%, đồng thời dựa trên sự cần thiết phải duy trì ổn định trước thềm Hội nghị lần thứ ba của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11 sắp tới”.
Cụ thể hơn, chuyên gia này dự báo, Trung Quốc sẽ ngăn chặn sự đẩy nhanh TTTD bằng việc không tiếp tục mở rộng mạnh mẽ các kích thích tài khóa và giảm bớt những “điệp khúc” ủng hộ tăng trưởng kinh tế muôn thủa trước đây. Tuy nhiên, gần như không có khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ “thắt” TTTD cũng như chi tiêu tài khóa một cách mạnh mẽ.
Hongbin - kinh tế gia trưởng của Ngân hàng HSBC tại Trung Quốc cho rằng, nền kinh tế này đang phục hồi nhờ các biện pháp đưa ra vào giữa năm nay đã giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. “Cải thiện trong nước, đặc biệt là tăng trưởng đầu tư ổn định đã bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chậm chạp khiến xuất khẩu tăng trưởng trì trệ’ – vị này đánh giá.
Tuy nhiên, sự phục hồi mới ở mức rất khiêm tốn và cho thấy đà tăng trưởng không có khả năng tăng tốc mạnh trong thời gian tới. Điều này cùng với các yếu tố không mấy thuận lợi khác, hiện nay cho thấy, GDP quý IV sẽ chỉ ở mức trung bình so với các năm trước.
“Chúng tôi kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay để bảo vệ đà hồi phục, nhờ đó tạo ra bối cảnh thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu, nhằm thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn”- kinh tế gia này nhìn nhận.
Nhìn tổng thể, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý IV. “Một trở ngại lớn đang xuất hiện là sự dư thừa giữa sản xuất và nhu cầu nội địa có thể xảy ra, kéo theo hệ lụy là tình trạng thất nghiệp và các khoản nợ xấu có thể gia tăng” – giáo sư Zhou Qiren thuộc NSD nhìn nhận.
So với các nền kinh tế phát triển thì các nước thuộc khu vực Trung Đông hay châu Phi có nhiều “room” hơn cho TTTD, thương mại và đầu tư vào hạ tầng công. Vì vậy, đầu tư vào các khu công nghiệp, xây dựng mạng lưới điện ở những quốc gia này có thể tạo ra nhu cầu rất lớn cho việc xuất khẩu các sản phẩm trong nước – giáo sư Zhou khuyến nghị về đầu ra cho đầu tư và hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.