Trung Quốc tăng cường giao dịch hoán đổi tiền tệ trong khu vực châu Á
Trung Quốc đang hợp tác với các nước châu Á để tăng cường sử dụng đồng nội tệ, so với đô la Mỹ trong thương mại, đầu tư, nhằm tránh tác động lan toả từ các nền kinh tế lớn khi thắt chặt tiền tệ.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Yi Gang cho biết, Trung Quốc sẽ làm việc với các nước trong khu vực châu Á, để tăng cường sử dụng đồng nội tệ cho thương mại và đầu tư.
Phát biểu tại sự kiện của nhóm các nước G20, vị Thống đốc đánh giá, những năm gần đây, sự tiến bộ của các quốc gia châu Á mới nổi trong việc sử dụng đồng nội tệ cho thương mại và đầu tư, đã củng cố mạng lưới an toàn tài chính của khu vực trước những cú sốc từ bên ngoài.
“Các thị trường mới nổi nên cải thiện khả năng phục hồi của họ. Đây là nơi mà hợp tác khu vực có vai trò then chốt. Các giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương giữa các nhóm quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt 380 tỷ USD. Vì vậy, các ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế tiên tiến nên tiếp tục tăng cường giao tiếp với thị trường. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động lan tỏa vào thời điểm có nhiều rủi ro hơn đối với các nền kinh tế mới nổi, do đại dịch COVID-19 gây ra”, ông nói.
Tháng trước, PBoC đã gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với Ngân hàng Indonesia trong ba năm để tăng cường hợp tác tài chính và thúc đẩy đầu tư. Theo ông Yi Gang, Trung Quốc sẽ giữ chính sách tiền tệ phù hợp linh hoạt, vì tăng trưởng kinh tế có khả năng trở lại mức tiềm năng trong năm nay. Tuy vậy, giới chuyên vẫn nhận định rằng, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác có thể đối mặt với rủi ro dòng vốn chảy ra ngoài, một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, Fed sẽ bắt đầu chu kỳ thắt chặt của mình vào tháng 3, với việc tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản, nhưng một số khác lại tin rằng, họ sẽ chọn một động thái tích cực hơn để giảm lạm phát.
Tại Indonesia, các quan chức hàng đầu nước này ủng hộ việc mở rộng sử dụng đồng nội tệ trong thương mại và đầu tư, thay vì đô la Mỹ, để giúp duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính toàn cầu, khi các biện pháp kích thích dần bị rút lại. Đây đồng thời là quốc gia đương nhiệm vị trí chủ tịch của các nền kinh tế lớn G20 trong năm nay, cùng một số quốc gia châu Á có các thỏa thuận song phương, để giải quyết các giao dịch bằng đồng nội tệ, được gọi là thỏa thuận thanh toán bằng nội tệ (LCS), giúp giảm nhu cầu đối với đô la Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, các thỏa thuận LCS nên được nhân rộng trên toàn cầu để quản lý các cú sốc, đặc biệt, khi các quốc gia mới nổi phải đối mặt với rủi ro tiềm ẩn, trong bối cảnh những nền kinh tế lớn hơn thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Đến nay, LCS đã được đưa vào chương trình nghị sự toàn cầu, vì điều này cũng có thể tạo ra một mạng lưới an toàn cho các giao dịch tài chính giữa các quốc gia và giảm rủi ro dễ bị tổn thương do các cú sốc kinh tế toàn cầu gây ra bất ổn tài chính. Việc đa dạng hóa tiền tệ sẽ hỗ trợ sự ổn định kinh tế, cho phép các quốc gia duy trì sự phục hồi sau đại dịch tốt hơn”, bà Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh.
Các quan chức Indonesia đồng tình rằng, ưu tiên chính của nước này đối với các cuộc họp nhóm G20 tới đây sẽ là đảm bảo để các nền kinh tế phát triển có chính sách tiền tệ dễ dàng được hiệu chỉnh tốt, được lập kế hoạch tốt, được truyền thông tốt và thoát khỏi tác động lan tỏa với các nền kinh tế đang phát triển. Các giai đoạn thắt chặt tiền tệ toàn cầu trước đây đã kích hoạt dòng vốn chảy ra từ các quốc gia mới nổi, khi các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào các tài sản trú ẩn an toàn.Do đó, Indonesia đã chứng kiến đồng Rupiah giảm mạnh hơn 20% trong năm 2013.
Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo khẳng định, các nền kinh tế mới nổi sẽ có thể vượt qua việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu, bao gồm cả việc Mỹ tăng lãi suất, tốt hơn nhiều trong năm nay so với các giai đoạn thắt chặt trước đó. Giống như Indonesia, đã có khuôn khổ chính sách tốt hơn, dự trữ ngoại hối cao hơn và đã nỗ lực phát triển thị trường tài chính sâu rộng hơn.
“Các thỏa thuận của LCS đã cắt giảm tỷ lệ tiếp xúc với đô la Mỹ của Indonesia xuống 2,53 tỷ USD vào năm 2021 và mức tăng thêm 10% trong các khu định cư như vậy dự kiến trong năm nay, khi Ngân hàng Indonesia tìm cách mở rộng giao dịch với các quốc gia khác và phát triển thêm các công cụ bảo hiểm rủi ro”, Warjiyo cho biết.