Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại - tài chính với ASEAN
Trung Quốc đang tìm cách nâng cấp quan hệ thương mại ASEAN và phạm vi hoạt động của Nhân dân tệ, khi chính phủ Mỹ ngày càng siết chặt kinh tế với nước này thông qua hàng rào thuế quan.
Theo thông tin từ SCMP, Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á về việc nâng cấp khu thương mại tự do khổng lồ của họ, nhằm thúc đẩy tiềm năng cho ổn định chuỗi cung ứng sản xuất của Bắc Kinh khi cạnh tranh với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng.
Trao đổi với các phương tiện truyền thông, quan chức nước này cho biết, họ sẽ tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về việc đẩy nhanh cuộc đàm phán cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc “Phiên bản 3.0”. Cụ thể, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đến Phnom Penh trong tuần này để gặp 10 thành viên của khối trong một loạt các hội nghị thượng đỉnh.
Vào tháng 9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo về việc tìm cách mở rộng khu vực thương mại, để giữ cho chuỗi cung ứng và thị trường mở ở khu vực mà nước này coi là quan trọng.
Jayant Menon, thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Khu vực thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nhận xét, hành động của Trung Quốc cho thấy mọi thứ đang mang tầm chiến lược hơn và mọi chính sách thương mại cũng trở nên gắn liền với địa chính trị hơn bao giờ hết.
Hiện các nước trong khối ASEAN gồm Singapore, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có tổng dân số 685 triệu dân, là một trung tâm ngày càng tăng đối với hàng hóa sản xuất, đôi khi còn được chuyển đến Trung Quốc để lắp ráp và tái xuất khẩu. Thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt giá trị 878,2 tỷ USD trong thời gian qua.
Do đó, Trung Quốc đang nhanh chóng tìm cách nâng cấp quan hệ thương mại ASEAN, khi chính phủ Mỹ ngày càng siết chặt kinh tế thông qua thuế quan và hạn chế lĩnh vực công nghệ cao của họ, đồng thời bỏ qua sự tham gia của Trung Quốc vào các thỏa thuận thương mại.
Cụ thể, Washington đã thiết lập Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) gồm 14 quốc gia vào tháng 5/2022 để thúc đẩy thương mại công bằng, nâng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và cải thiện cơ sở hạ tầng bao gồm năng lượng sạch, nhưng Trung Quốc không phải là thành viên trong đó.
GS. Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương bình luận, sau Ukraine và sau cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc phải suy nghĩ rất nhiều về cách vượt qua sự phân tách với phần còn lại của thế giới.
Thực tế trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào tháng 10/2021, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung đồng ý với một nghiên cứu khả thi về việc làm cho khu vực thương mại trở nên toàn diện hơn và đáp ứng với các thách thức toàn cầu. Trong đó, những thay đổi trong tương lai cần giải quyết là các quy tắc xuất xứ và tăng cường nền tảng kỹ thuật số cho du lịch.
Giới chuyên gia tin tưởng, các quốc gia Đông Nam Á sẽ hoan nghênh việc nâng cấp nêu trên vì họ phụ thuộc vào giao thương với Trung Quốc khá nhiều và coi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như một nguồn phát triển tốt.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy thương mại giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đã tăng trưởng hai con số trong 9 tháng đầu năm nay. Đơn cử như xuất khẩu sang Singapore tăng 41% và 30% sang Malaysia. Hay một tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ qua Lào đã đưa hàng hóa trị giá 1,7 tỷ USD qua đất nước này.
Đây cũng là vấn đề khiến Trung Quốc nóng lòng muốn tìm hiểu và phát triển khả năng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ với ASEAN và các nước láng giềng khác, bằng việc lên kế hoạch thúc đẩy giao dịch trực tiếp Nhân dân tệ với các đồng tiền khác, song song với hỗ trợ các nền kinh tế nước ngoài phát triển thị trường ngoại hối bằng Nhân dân tệ.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital nhận xét: “Đồng NDT chắc chắn đã được quốc tế hóa nhiều hơn so với 5 - 10 năm trước. Nhưng nếu so sánh với đô la Mỹ, nó chắc chắn vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đó là điều chỉ có thể được thực hiện từng bước".
Trong bối cảnh bất ổn chính trị, kinh tế leo tháng, đồng tiền của Trung Quốc được cho là đã kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, do áp lực giảm giá và sự suy thoái kinh tế trong nước.
Chuyên gia kinh tế tại Macquarie Capital cũng nói thêm, với việc Mỹ tăng lãi suất, mọi người sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách tiết kiệm bằng USD hơn là bằng NDT. Do dòng vốn chảy ra lớn và sự tăng lãi suất tích cực của Fed, đồng NDT đã suy yếu hơn 10% so với USD trong năm nay và chạm vào mức nhạy cảm 7 CNY/USD.