Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ có mục tiêu
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giữa tuần trước đã tuyên bố họ sẽ cung cấp thanh khoản chi phí thấp hơn trong 3 năm nhằm khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cho các công ty nhỏ, thêm một nỗ lực nữa để thúc đẩy nền kinh tế đang có xu hướng giảm tốc mạnh.
Trong một tuyên bố phát đi vào cuối ngày 19/12, PBoC cho biết sẽ tạo ra một phiên bản “mục tiêu” của công cụ cho vay trung hạn (Medium-term lending facility – MLF) và sẽ áp dụng cho các ngân hàng đáp ứng được các yêu cầu cũng như có tiềm năng tăng cung tín dụng cho các công ty nhỏ. Lãi suất của công cụ này chỉ là 3,15%, thấp hơn so với lãi suất của công cụ MLF hiện nay, công cụ vốn có thời gian đáo hạn ngắn hơn.
Theo đó, các ngân hàng đủ điều kiện có thể nộp đơn xin tài trợ. NHTW sẽ quyết định số tiền được cung cấp tùy thuộc vào sự tăng trưởng cho vay của họ đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và các công ty tư nhân, PBoC cho biết.
Bên cạnh 4 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ đầu năm đến nay, công cụ tài trợ mới cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn lo ngại về những tác động tiêu cực của chiến lược hạn chế hệ thống ngân hàng ngầm đối với tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, cho đến nay PBoC vẫn không cắt giảm lãi suất, một động thái có thể gây áp lực lên đồng nhân dân tệ vốn đang rất mong manh.
“Đây là động thái cắt giảm lãi suất một cách kín đáo để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ”, Larry Hu, một nhà kinh tế của Macquarie Securities Ltd nói. “Trung Quốc rõ ràng đang dần gia tăng các biện pháp nới lỏng”.
Một động thái nữa cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang “thiên vị” việc thúc đẩy nhu cầu trong nước đó là việc PBoC vẫn giữ nguyên lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày cho dù Fed đã thực hiện tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay.
“Các biện pháp nới lỏng này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, PBoC sẽ kết hợp các biện pháp ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế cũng như các chính sách mục tiêu để nới lỏng các điều kiện tiền tệ. Họ rất chủ động trong việc cân bằng giữa nới lỏng với yêu cầu hạn chế rủi ro tài chính”, Chang Shu và David Qu – các nhà kinh tế của Bloomberg cho biết.
Việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ cũng đồng nghĩa với việc đẩy mạnh cho vay nền kinh tế thực, Trung Quốc dường như đang đi theo cách tiếp cận mà NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE) đã từng triển khai trước đây.
“Nó là TLTRO với đặc điểm Trung Quốc”, Krishna Guha - Trưởng bộ phận chiến lược NHTW của Evercore ISI nói, đề cập tới Chương trình tái cấp vốn dài hạn mục tiêu (Targeted longer-term refinancing operations) mà NHTW châu Âu (ECB) triển khai từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2016.
Năm 2010, NHTW Nhật Bản (BoJ) cũng đã triển khai một công cụ tương tự với tên gọi Chương trình hỗ trợ tín dụng (Loan support program) và cũng đã thu được một số tác động tích cực. Tuy nhiên, điều kiện tài chính ở Nhật Bản rất khác với Trung Quốc. Đối với BoJ, vấn đề là thiếu nhu cầu cho vay và điều đó đã thay đổi rõ rệt ngay cả sau nhiều năm triển khai chính sách tiền tệ độc đáo.
Trong khi đó tại Trung Quốc, nhu cầu vay vốn là rất lớn, nhưng nhiều người vay không thể tiếp cận. Bởi trên thực tế, các ngân hàng lớn của Trung Quốc từ lâu đã không mặn mà cho vay đối với các công ty tư nhân - phần lớn trong số đó là các công ty nhỏ - mà thường chọn các doanh nghiệp nhà nước với lý do an toàn hơn. Vì vậy, chương trình mới này được kỳ vọng có thể cung cấp một số trợ giúp cho các công ty nhỏ, công ty tư nhân.
“Nếu tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp chậm lại phản ánh các công ty nhỏ của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, một phần cũng bởi các biện pháp chính sách trong quá khứ nhằm kiềm chế hệ thống ngân hàng ngầm. Nên các biện pháp này có thể hỗ trợ cho tín dụng và tăng trưởng kinh tế”, Ben May - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Oxford Economics nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế của Bloomberg, có thể phải cần tới vài tháng để tín dụng tăng tốc đủ mạnh để thúc đẩy tăng trưởng. Có lẽ cũng bởi vậy nên bên cạnh việc triển khai công cụ mới này, PBoC cũng mở rộng hạn ngạch thông qua đó các ngân hàng có thể vay để hỗ trợ các lĩnh vực cụ thể, được gọi là công cụ cho vay lại. Hạn ngạch đó đã tăng thêm 100 tỷ nhân dân tệ (14,5 tỷ USD).
Chưa hết, Thống đốc PBoC Yi Gang tuần trước báo hiệu rằng các động thái chính sách tiếp theo đang diễn ra, nói rằng NHTW sẽ tiếp tục hỗ trợ. Các nhà kinh tế dự đoán rằng, “sự hỗ trợ” như vậy có thể liên quan đến việc giảm 200 điểm cơ bản khác trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng lớn, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế đều không dự báo về việc cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm.