Trung Quốc và Ấn Độ sẽ “phá hủy” thế giới?
(Tài chính) Không quốc gia mới nổi nào có thể thoát khỏi “bi kịch” nền kinh tế “loạng choạng”, các thị trường lao dốc, các nhà kinh tế học tự hỏi họ đã bỏ qua những dấu hiệu bất ổn từ khi nào.
Tác giả bài viết là William Pesek – chuyên gia phân tích kỳ cựu của tờ Bloomberg.
Nhân dịp cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers công bố nghiên cứu mới về Trung Quốc và Ấn Độ, tôi nhớ đến cuộc hội thoại với Summers ở Nhật Bản hồi tháng 5/2007.
Khi đó, chúng tôi có mặt ở Tokyo để dự hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Summers muốn tham gia vào 30 phút cuối của một cuộc thảo luận để bàn về làn sóng mới của các “con hổ” châu Á. Ông đặt ra câu hỏi liệu có phải các quốc gia giàu có nên dùng các quốc gia đang phát triển ở châu Á để làm trụ đỡ tài chính.
Tất nhiên ý kiến này nhận được nhiều sự phản đối. Summers hỏi tôi nghĩ gì với vị thế là một người đã sống nhiều năm ở châu Á. Tôi chia sẻ mình cũng có những nghi ngờ tương tự liệu Trung Quốc và Ấn Độ có thể mãi mãi duy trì đà tăng trưởng 7 – 10% hay không.
Dựa trên những gì mà Summers cùng với đồng nghiệp Lant Pritchett (giáo sư kinh tế tại ĐH Harvard) đã viết trong báo cáo được công bố hôm 5/11 vừa qua, có vẻ như ông vẫn đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên, giờ đây câu hỏi ấy đã trở thành câu hỏi có giá trị lên tới 42.000 tỷ USD. Đó là mức chênh lệch về GDP giữa kịch bản Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh cho tới năm 2033 (tức là 2 nền kinh tế này có tổng GDP vào khoảng 56.000 tỷ USD) và kịch bản chỉ tăng trưởng ở mức còn thấp hơn cả mức trung bình của thế giới.
Summers và Pritchett gọi niềm tin “mù quáng” cho rằng các nền kinh tế lớn nhất châu Á không thể “thua trận” là "Asiaphoria”. Xuyên suốt 34 trang báo cáo là những câu hỏi: liệu có phải các nền kinh tế có GDP tăng trưởng quá nhanh sẽ không thể tránh khỏi kịch bản lao dốc? Điển hình là với Ấn Độ và Trung Quốc, các chuyên gia lo ngại tất cả các quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa đều sẽ phải trải qua giai đoạn đổ vỡ, dù nước đó tuân theo chế độ nào hoặc nước đó có trình độ đến đâu.
“Chúng tôi không cho rằng có thể tự tin dự báo chính xác về tương lai, nhưng rõ ràng là các nhà hoạch định chính sách cần phải chuẩn bị cho kịch bản các nền kinh tế lớn ở châu Á lâm vào tình trạng tăng trưởng chậm chạp trong thời gian dài. Gắn cỗ máy tăng trưởng của kinh tế thế giới vào “những con ngựa châu Á” là lựa chọn mang lại nhiều rủi ro”, Summers viết.
Lịch sử cho thấy không nền kinh tế nào có thể ngăn chặn tình trạng phát triển quá nhanh hoặc quá chậm ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng. Không quốc gia mới nổi nào có thể thoát khỏi “bi kịch” nền kinh tế “loạng choạng”, các thị trường lao dốc, các nhà kinh tế học tự hỏi họ đã bỏ qua những dấu hiệu bất ổn từ khi nào.
Trung Quốc và Ấn Độ có một điểm chung có thể trở thành “liều thuốc độc” một khi nhà đầu tư hoảng loạn: hệ thống luật pháp yếu kém, niềm tin của nhà đầu tư không ổn định, chênh lệch giàu nghèo quá lớn có thể dẫn đến bất ổn xã hội, các quan chức chính phủ địa phương quá nhiều tham vọng. Bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi cũng khiến những người khổng lồ của châu Á có ít lựa chọn hơn trong việc điều chỉnh nền kinh tế.
Chắc chắn là các nhà đầu tư vẫn chưa kiếm được nhiều tiền như họ mong muốn khi đầu tư vào Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, lịch sử không thể giúp ích gì cho Chủ tịch Tập Cận Bình và đội ngũ ở Bắc Kinh. Họ đang phải đối mặt với những thử thách mà những người tiền nhiệm chưa từng vấp phải.
“Nền kinh tế Ấn Độ, và đặc biệt là Trung Quốc, đang bước vào những giai đoạn chưa từng có trong quá khứ. 30 năm tăng trưởng siêu nhanh đã là thời kỳ dài hơn bất cứ giai đoạn thông thường nào trong lịch sử”, Summers viết.
Nếu có thể quay ngược trở lại tháng 5/2007 và nói với Summers rằng 16 tháng sau, Lehman Brothers sẽ sụp đổ và khiến phố Wall chao đảo, chắc chắn Summers sẽ nghĩ tôi là người lẩn thẩn. Sẽ là điều tương tự nếu cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ có thể khiến kinh tế thế giới chao đảo ở thời điểm này.