Trung tâm tài chính quốc tế sẽ phát triển hài hoà ở cả TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, trên cơ sở quyết định của cơ quan có thẩm quyền, trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng sẽ phát triển hài hoà, có sự phân định tương đối dựa trên lợi thế vùng.

Làm rõ một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, theo thống kê, trên thế giới có khoảng 121 trung tâm tài chính so với toàn cầu chỉ có 195 quốc gia. Trong số trung tâm tài chính này, chỉ có dưới 10 trung tâm tài chính thành công. Điều này cho thấy, để có được một trung tâm tài chính thành công đúng nghĩa là "vô vùng khó, vô vùng thách thức".
Theo Bộ trưởng, trước đây, Chính phủ trình Bộ Chính trị để thành lập 2 trung tâm tài chính. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn cho thấy có rất nhiều khó khăn. Việt Nam là "nước đi sau, thậm chí sau rất lâu", nếu thành lập 2 trung tâm tài chính sẽ rất khó thành công.
Do đó, Chính phủ đã bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất trình lại Bộ Chính trị xác định thành lập 1 trung tâm tài chính quốc tế và đặt ở 2 nơi (TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng). Theo Bộ trưởng, nếu thành lập một trung tâm tài chính thành công là "rất quý", sau đó có thể nhân rộng.
Theo đó, chỉ có 1 khung chính sách duy nhất chi phối. Trên cơ sở quyết định của cơ quan có thẩm quyền, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng sẽ phát triển hài hoà, có sự phân định tương đối dựa trên lợi thế vùng. Bộ trưởng ví dụ, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung phát triển thị trường vốn, ngân hàng, y tế, dịch vụ tài chính...; TP. Đà Nẵng tập trung phát triển tài chính xanh, fintech, quản lý quỹ... gắn với khu thương mại tự do Đà Nẵng đã được Quốc hội cho phép triển khai. "Việc phân định này là tương đối, còn quyền lựa chọn thuộc về nhà đầu tư", Bộ trưởng chia sẻ.
Liên quan đến mô hình trung tâm tài chính quốc tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập, Bộ trưởng cho rằng, mô hình này vừa là hữu hình, vừa là vô hình, vẫn có không gian, phạm vi, đối tượng nhưng không có giới hạn. Khi đã tham gia vào trung tâm tài chính, các thành viên sẽ liên thông với nhau, kể cả khi xảy ra tranh chấp cũng hoàn toàn áp dụng luật quốc tế, trừ trường hợp tranh chấp liên quan đến đất đai thuộc nước sở; hoặc không có thoả thuận áp dụng trọng tài, thẩm phán quốc tế thì sẽ áp dụng luật trong nước.
Trước băn khoăn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cơ quan điều hành giám sát được ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không, Bộ trưởng thông tin, 100% trung tâm tài chính hiện nay trên thế giới đều cho phép cơ quan quản lý trung tâm được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội hiện cũng cho phép cơ quan điều hành giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, có giới hạn là văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Nghị quyết và những nội dung Chính phủ quy định riêng. Chính phủ sẽ hướng dẫn quy trình, hiệu lực ban hành các văn bản này, chủ yếu xử lý những vấn đề liên quan trực tiếp đến trung tâm tài chính, đặc biệt khi cần phản ứng linh hoạt, kịp thời khi thị trường tài chính thế giới thay đổi.
Cho rằng đây là nội dung rất mới, khó và phức tạp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao Chính phủ đã quyết tâm xây dựng khuôn khổ pháp lý hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9.